HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC TỔ CHỨC CƠ SỞ ĐẢNG

Khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của Đại học Bách khoa Hà Nội
Ngày đăng 25/12/2017 | 2:12 PM  | View count: 1400

Sáng 23/12, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã đến thăm và làm việc tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhằm lắng nghe và trao đổi các đề xuất của Nhà trường trong việc phát huy tiềm năng khoa học công nghệ, đóng góp trong sự phát triển Thủ đô. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng, lãnh đạo một số sở, ngành của thành phố Hà Nội.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải thăm Phòng thí nghiệm thiết kế vi mạch (IC Design Lab), ĐHBK Hà Nội

 
Báo cáo với Bí thư Thành ủy, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: ĐHBK Hà Nội là trường có khuôn viên rộng nhất trong các trường ĐH nằm trong nội thành Hà Nội với hơn 260 giảng đường, phòng học, hội trường lớn cùng hệ thống các phòng hội thảo, gần 200 phòng thí nghiệm. Khu ký túc xá sinh viên đủ chỗ cho 4.000 sinh viên. Trường có 1.168 giảng viên với 23 Giáo sư, 216 Phó Giáo sư, 770 Tiến sĩ. Phần lớn giảng viên của Trường được đào tạo từ các trường đại học danh tiếng trên thế giới (Hoa Kỳ, Pháp, Úc, Nhật Bản...), trong đó, hơn 60% giảng viên có trình độ Tiến sĩ trở lên, đạt tỷ lệ cao nhất trong các cơ sở đào tạo tại Việt Nam.
 
Tháng 10/2016, Trường ĐHBK Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo Quyết định số 1924/QĐ-TTg để thí điểm thực hiện cơ chế tự chủ toàn diện trong các hoạt động đào tạo, khoa học công nghệ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính.
 
Từ đó đến nay, hoạt động của Nhà trường tiếp tục đạt những kết quả tích cực. Năm 2017, Trường đã hoàn thành xây dựng và ban hành Chiến lược phát triển giai đoạn 2017-2025; xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động, Quy chế quản lý tài chính, Quy chế công tác cán bộ, tạo tiền đề cho việc đổi mới và ứng dụng mô hình quản trị tiến tiến, đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Tháng 6/2017, ĐHBK Hà Nội là một trong bốn trường đại học đầu tiên của cả nước được công nhận đạt kiểm định trường theo tiêu chuẩn châu Âu bởi Hội đồng đánh giá cấp cao HCERES của Pháp. Trường cũng có 7 chương trình đạt kiểm định theo chuẩn khu vực Đông Nam Á.
 
Hiện nay, Trường ĐHBK Hà Nội đào tạo 61 chương trình đại học cho 31 ngành, (trong đó, có 7 chương trình Tài năng, 3 chương trình Kỹ sư chất lượng cao PFIEV, 4 chương trình Tiên tiến, 2 chương trình Việt-Nhật và 10 chương trình đào tạo quốc tế); 64 chương trình đào tạo Thạc sĩ cho 31 ngành; 60 chương trình đào tạo Tiến sĩ cho 38 ngành, ĐHBK Hà Nội đã khẳng định được vị thế của một trường đại học trọng điểm, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực và là một trường đại học đậm nét định hướng nghiên cứu. Hiện nay, tỷ lệ sinh viên có việc ngay sau khi ra trường là 60%, sau 6 tháng là trên 90%, với mức lương bình quân trên 8 triệu đồng.
 
Với hơn 60 năm xây dựng và phát triển, Trường ĐHBK Hà Nội đã đào tạo và cung cấp hơn trên 200 nghìn chuyên gia kỹ thuật, trong đó, trên 190 nghìn kỹ sư và cán bộ kỹ thuật, hơn 14.000 Thạc sĩ và gần 900 Tiến sĩ. 
 
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu và rộng, công nghệ phát triển mạnh mẽ, trong năm tới, Trường ĐHBK Hà Nội tập trung thực hiện đổi mới mạnh mẽ cơ cấu tổ chức theo Quy chế tổ chức và hoạt động mới, áp dụng mô hình quản trị theo chiến lược và ứng dụng công nghệ thông tin, chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng và hiệu quả các mặt hoạt động.
 
Trước buổi làm việc với lãnh đạo, Hội đồng Nhà trường, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải đã đến thăm quan 3 trong số các đơn vị nghiên cứu tiêu biểu của Trường là Phòng thí nghiệm thiết kế vi mạch (IC Design Lab), Trung tâm Hợp tác Nghiên cứu Phát triển Công nghệ Định vị Sử dụng Vệ tinh (NAVIS) tại Thư viện Tạ Quang Bửu và Không gian sáng tạo BKHUP. Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải vui mừng trước sự phát triển ngày càng lớn mạnh của Nhà trường.
 
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận buổi làm việc
 
Bí thư Thành uỷ Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, ĐHBK Hà Nội là trường Đại học có danh tiếng trong cả nước, quá trình 60 năm xây dựng và trưởng thành của ĐHBK Hà Nội, trường luôn giữ vững và khẳng định thương hiệu, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp tích cực cho sự phát triển của Thủ đô và đất nước. Bí thư Thành ủy cho rằng, với bề dày truyền thống, cùng với đội ngũ cán bộ, giảng viên chất lượng, nhiều kinh nghiệm của trường, ĐHBK Hà Nội hoàn toàn có khả năng trở thành trường có đẳng cấp trong khu vực và thế giới. 
 
Bí thư Hà Nội cũng đánh giá cao ĐHBK Hà Nội khi đi tiên phong tự chủ toàn diện, sau một năm cho thấy hiệu quả tích cực. Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, chủ trương tự chủ là rất đúng đắn, tự chủ nhưng không có nghĩa là Nhà nước buông về quản lý, mà vẫn có sự gắn kết chặt chẽ trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Kết quả thực hiện cơ chế tự chủ toàn diện tại ĐHBK Hà Nội sẽ là cơ sở để đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện chủ trương này trong thời gian tới.
 
Nhấn mạnh Hà Nội là trung tâm văn hóa, khoa học, công nghệ của cả nước, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải ghi nhận, biểu dương ĐHBK Hà Nội trong việc phối hợp với Thành phố về nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Bí thư Thành ủy mong muốn, trong thời gian tới, xu thế này được đẩy mạnh hơn nữa, đặc biệt, ĐHBK Hà Nội cần đóng vai trò rõ nét hơn trong Hội đồng đánh giá ý tưởng khả thi của các StarUP, để từ đó làm cơ sở thu hút nguồn lực đầu tư cho các ý tưởng này. “Lãnh đạo Thành phố xác định ĐHBK Hà Nội là của thành phố Hà Nội, do đó, Thành phố phải quan tâm, tạo điều kiện để khai thác, phát huy lợi thế này”, Bí thư Thành ủy nói.
 
Ủng hộ chiến lược phát triển của Nhà trường giai đoạn 2017-2025, Bí thư Thành uỷ Hà Nội cho rằng việc nhà trường quy hoạch lại khu 18ha phía đường Đại Cồ Việt làm khu hiệu bộ, khu đào tạo sau đại học và nghiên cứu khoa học công nghệ; còn khu 7,5ha phía đường Tạ Quang Bửu chuyển đổi công năng, tạo nguồn lực đầu tư khu Đại học có quy mô 100ha (tại Văn Giang, Hưng Yên) là hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của Nhà trường. Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy đề nghị ngay từ bây giờ, Nhà trường cần xây dựng quy hoạch tổng thể, có các đề án, dự án cụ thể, từ đó thu hút nguồn lực để đầu tư.
 
Bí thư Thành ủy cũng cho rằng, xu thế tự chủ sẽ là tất yếu, trong thời gian tới, Trường ĐHBK Hà Nội cần tiếp tục thu hút nguồn lực xã hội để đầu tư, phát triển hơn nữa, đặc biệt cần gắn kết đào tạo với nhu cầu thị trường. Đồng chí cũng thống nhất với đề xuất của Nhà trường, giao UBND TP phối hợp, nghiên cứu xây dựng để ký kết chương trình phối hợp công tác với ĐHBK Hà Nội, từ đó, thúc đẩy hơn nữa sự phối hợp trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ nhằm khai t
ác, phát huy nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh của Nhà trường đối với sự phát triển của Thành phố.

 

Nguồn; Cổng thông tin điện tử Thành phố Hà Nội