TIN TỨC NỔI BẬT

Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố
Ngày đăng 12/04/2018 | 9:26 AM  | View count: 303

Sáng 10/4, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị lần thứ 13 (khóa XVI) để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng 3 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 9 tháng cuối năm của Thành phố.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng thông qua nội dung, chương trình Hội nghị

 
Các đồng chí: Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy; Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy chủ trì hội nghị.
 
Hội nghị cũng đánh giá kết quả công tác xây dựng Đảng quý I và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 9 tháng cuối năm 2018; đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 18-KH/TU ngày 1/9/2016 của Thành ủy “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; thảo luận về dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy và Thường trực Thành ủy khóa XVI, nhiệm kỳ 2015-2020.
 
Tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế đều tăng trưởng
 
Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND TP, trong quý I/2018, GRDP của Hà Nội tăng 6,98%, cao hơn mức cùng kỳ 2017 (6,48%). Các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu… đều tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, dịch vụ tăng 7,05% (cùng kỳ 6,88%); công nghiệp - xây dựng tăng 7,24% (cùng kỳ 5,99%); nông, lâm, thủy sản tăng 2,04% (cùng kỳ giảm 5,99%). Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Thành phố quý I/2018 ước đạt 58.088 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ và bằng 24,4% dự toán.
 
Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ 3 tháng đầu năm tăng 12,4% so cùng kỳ năm trước (quý I/2017, tăng 7,5%). Chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,54% so cùng kỳ (trong khi quý I/2017 tăng 5%). Kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đạt 3,15 tỷ USD, với mức tăng 16,9% (trong khi quý I/2017 chỉ tăng 2,1%), kim ngạch nhập khẩu ước đạt 7,92 tỷ USD, tăng 15,1% so cùng kỳ (quý I/2017 đạt 16,5%).
 
Môi trường đầu tư của Thành phố tiếp tục được cải thiện, chỉ số PCI tăng 1 bậc, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố (là mức cao nhất từ trước đến nay). Thu hút đầu tư xã hội đạt 54.664 tỷ đồng, tăng 9,5%. Thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư 11 dự án vốn đầu tư ngoài ngân sách, tổng mức đầu tư 11,34 nghìn tỷ đồng; điều chỉnh chủ trương đầu tư 11 dự án, số vốn tăng trên 1,4 nghìn tỷ đồng; thu hút 400 triệu USD vốn đầu tư FDI; cấp mới 5.392 giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, với số vốn 52,2 nghìn tỷ đồng…
 
Đặc biệt, ngành du lịch Thủ đô có bước tăng trưởng mạnh. Trong quý I, tổng lượng khách du lịch ước đạt 6,7 triệu lượt, tăng 9% (cùng kỳ tăng 7%), trong đó, lượng khách quốc tế đến Hà Nội đạt trên 1,58 triệu lượt, tăng 21% so cùng kỳ (quý I năm 2017 chỉ tăng 10%). Doanh thu từ khách du lịch ước đạt 19,91 nghìn tỷ đồng, tăng 8%.
 
Công tác xây dựng nông thôn mới được tập trung thực hiện, trong quý I, Thành phố đã tổ chức thẩm tra, chấm điểm tiêu chí nông thôn mới và hoàn thiện thủ tục công nhận thêm 39 xã đạt chuẩn, nâng tổng số xã nông thôn mới của Thành phố lên 294 xã, đạt 76,2%.
 
Tiếp tục cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
 
Theo Giám đốc Sở Công thương Lê Hồng Thăng, tổng mức bán lẻ hàng hóa của Thành phố trong 3 tháng đầu năm có tăng cao hơn so với cùng kỳ, nhưng lại thấp hơn mức bình quân của cả nước, đây là điều đáng suy nghĩ để có giải pháp trong 9 tháng cuối năm. Theo đó, Sở Công thương đề nghị Thành phố và các sở, ngành, quận, huyện tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh…
 
Đặc biệt, Sở đã trình Thành phố kế hoạch khởi công 14 cụm công nghiệp trong năm nay, song để làm được cần sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị trong cải cách các thủ tục về phê duyệt quy hoạch chi tiết, phê duyệt dự án đầu tư, GPMB… để giảm thời gian chuẩn bị từ 355 ngày xuống còn 150 ngày. Bên cạnh đó, hiện nay, đã có nhà đầu tư đề xuất đầu tư đồng bộ toàn bộ hệ thống chợ trên địa bàn Thành phố. Hồ sơ này Sở đã gửi tới 30 quận, huyện, thị xã và một số sở liên quan, trong thời gian tới, các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với Sở để báo cáo với Thành phố.
 
Về tình hình thu ngân sách Nhà nước, Cục trưởng Cục Thuế TP Nguyễn Thế Mạnh cho biết: kết quả trong quý I của Thành phố cao hơn mức bình quân chung cả nước. Trong đó, những tín hiệu đáng mừng cho thấy kết quả thu của Thành phố là bền vững, như thu thuế, phí tăng cao; thu từ khu vực doanh nghiệp FDI tăng 13,5%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh cũng cao nhất cả nước, tăng 27,9%... Đặc biệt, hầu hết các quận, huyện, thị xã đều thu đạt và vượt kế hoạch, một số đơn vị đạt cao như: Hoàn Kiếm tăng 33,4%, Hà Đông 32%, Bắc Từ Liêm 30%...
 
Trong quý II, ngành Thuế phấn đấu hoàn thành trên 50% chỉ tiêu thu của cả năm, trong đó, ngành sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đôn đốc các khoản thu nộp ngân sách, nhất là thu hồi nợ, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu trên 4 nghìn tỷ. Ngành cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, rà soát kê khai thuế, chống chuyển giá, đặc biệt là các lĩnh vực FDI và khu vực ngoài quốc doanh.
 
Phát biểu kết thúc phần thảo luận nội dung này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã giải đáp một số kiến nghị của đại diện các sở, ngành, quận, huyện. Theo đó, về các cơ sở giết mổ, để đảm bảo ATTP, Thành phố đã xác định cần tập trung thu hút đầu tư vào 2 lĩnh vực là giết mổ tập trung và xây dựng hệ thống các chợ đầu mối. Vừa qua, có 9 doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư dây chuyền giết mổ lợn, gia súc gia cầm bán tự động hoặc tự động hoàn toàn.
 
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội nghị
 
Trong đó, đã có 1 doanh nghiệp của Thái Lan đầu tư dây chuyền giết mổ gia cầm tự động tại khu công nghiệp Phú Nghĩa với công suất 15.000 con gà/ngày. Thành phố cũng đang kêu gọi đầu tư vào dự án khu 10ha giết mổ gia súc, gia cầm tập trung ở Thanh Oai…
 
Về vấn đề bố trí Trưởng Công an xã là công an chính quy, chuyên nghiệp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trong thời gian tới, thành phố sẽ giao Công an Thành phố và Sở Nội vụ phối hợp xây dựng đề án trên tinh thần và lộ trình để thực hiện dần. Trước mắt, sẽ bố trí thí điểm Trưởng công an xã là công an chuyên nghiệp tại một số địa bàn xã trọng điểm, có tình hình an ninh phức tạp. 
 
“Chúng ta không thay tất mà chỉ bố trí cấp trưởng hoặc một số đơn vị có thể bố trí thêm cấp phó, 1-2 công an viên, còn lại vẫn giữ bình thường. Chúng ta thực hiện có lộ trình chứ không phải thay ngay. Và chỉ những xã còn thiếu hoặc khi Trưởng Công an xã về hưu thì mới bố trí thay chứ chưa điều chuyển một cách ồ ạt”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói.
 
Cuối cùng, về vấn đề cụm công nghiệp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch chung về các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố. Để đẩy nhanh quy hoạch này, thời gian tới, UBND TP Hà Nội sẽ làm việc các sở ngành liên quan, các doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp để thúc đẩy nhanh dự án này.
Nguồn: Cổng TTĐT Thành phố HN