TIN TỨC NỔI BẬT

Khai mạc Hội nghị lần thứ 14 BCH Đảng bộ Thành phố khóa XVI
Ngày đăng 02/07/2018 | 3:24 PM  | View count: 302

Sáng 2/7, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVI. Các đồng chí: Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy; Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP đồng chủ trì hội nghị.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng thông qua nội dung, chương trình Hội nghị

 
Hội nghị lần này tập trung thảo luận các nội dung: Dự thảo các kế hoạch của Thành ủy thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII): Nghị quyết số 26-NQ/TW về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp và Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. 
 
Hội nghị cũng thảo luận, đóng góp ý kiến vào báo cáo kiểm điểm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ Thành phố và báo cáo kiểm điểm công tác lãnh đạo, chỉ đạo giữa nhiệm kỳ của Thành ủy khóa XVI, nhiệm kỳ 2015-2020; báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 6 (khóa X), Nghị quyết 15 của Quốc hội (khóa XIII) về điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội; báo cáo kết quả công tác xây dựng Đảng, tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm2018; báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của thành phố Hà Nội (cấp Thành phố)…
 
Thế và lực của Thủ đô được tăng cường
 
Mở đầu phiên làm việc buổi sáng, đồng chí Lê Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP thay mặt Ban Cán sự Đảng UBND TP trình bày báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12, ngày 29/5/2008, của Quốc hội khóa XII về điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan (giai đoạn từ 1/8/2008-1/8/2018). Theo đó, sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, diện mạo với những thành tựu to lớn, toàn diện, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước, xứng đáng là trái tim của Tổ quốc, là đầu não, trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế.
 
Cụ thể, trong bối cảnh suy thoái và khủng hoảng kinh tế thế giới, kinh tế Thủ đô đã vượt qua khó khăn, tiếp tục đà tăng trưởng. Năm 2017, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt gần 520 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2008; thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 86 triệu đồng, gấp 2,3 lần so với năm 2008; thu ngân sách năm 2017 đạt trên 212 nghìn tỷ đồng, gấp 3 lần so với năm 2008; chi ngân sách địa phương tăng bình quân 15,76%, năm 2017 gấp 3,6 lần so với năm 2008; tổng vốn đầu tư xã hội cũng gấp 2,85 lần so với thời điểm mới hợp nhất…
 
Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn trình bày báo cáo tổng kết 10 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô
 
Cơ cấu kinh tế Thủ đô chuyển dịch theo hướng tích cực, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, trình độ và chất lượng cao, như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thông tin truyền thông, du lịch… tiếp tục phát triển. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu đạt 11,78 tỷ USD, gấp 1,7 lần so với năm 2008; khách du lịch quốc tế đến Thủ đô tăng từ 1,3 triệu lượt (năm 2008) lên 4,95 triệu lượt năm 2017 (gấp 3,8 lần), Hà Nội nằm trong top 10 thành phố có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.
 
Đặc biệt, công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, đất đai trên địa bàn Thành phố có nhiều chuyển biến tích cực; hạ tầng kỹ thuật và xã hội được quan tâm đầu tư; diện mạo đô thị ngày càng khang trang, văn minh, hiện đại; khu vực nông thôn được quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, diện mạo khởi sắc rõ nét. Thông qua việc thực hiện Chương trình số 02 về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân, Thành phố đã ưu tiên, dành nguồn lực lớn đầu tư phát triển cho các huyện ngoại thành. Đến nay, Thành phố đã có 4 huyện, 294/386 xã (chiếm 76,2%) đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2017 đạt 38 triệu đồng/người/năm, gấp 3 lần so với năm 2008 (13 triệu đồng).
 
Chủ trương đúng đắn, nhân dân đồng tình
 
Phát biểu tại hội nghị, các ý kiến đều khẳng định những kết quả mà Thủ đô đạt được trong 10 năm qua thể hiện chủ trương đúng đắn, tầm nhìn xa của Đảng, Nhà nước; cũng là kết quả của sự chủ động, đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô trong quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 15 của Quốc hội.
 
Theo Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Phạm Hải Hoa, trước khi hợp nhất về Thủ đô, Phú Xuyên là huyện xuất phát điểm có nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, làng nghề. Đến nay, huyện luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đời sống nhân dân có chuyển biến rõ nét. Thu nhập bình quân tăng từ 7,4 triệu đồng/người/năm lên 33 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo từ giảm từ 8,04% xuống 3,06%.
 
Đặc biệt, các nội dung liên quan đến an sinh xã hội được Thành phố quan tâm đầu tư, nhân dân được hưởng thụ và rất phấn khởi, nhất là về điện, nước, đường giao thông… Đến nay, huyện có tuyến đường điện cao áp, không còn bị cắt điện luân phiên, có đường cấp nước sạch, có xe buýt trợ giá... Quan trọng hơn, huyện đã xóa toàn bộ các phòng học tạm, xây dựng nhiều trường chuẩn quốc gia, các trạm y tế xã được quan tâm đầu tư để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.
 
Còn theo Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú, khi bắt tay thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội, cán bộ và nhân dân huyện Phúc Thọ rất phấn khởi, nỗ lực để cùng Thành phố thực hiện Nghị quyết quan trọng này. Chuyển biến rõ nét ngay từ chính phương pháp công tác, cách thức làm việc của cán bộ huyện, do tiếp xúc, học hỏi từ các quận, huyện bạn và do yêu cầu, khối lượng công việc sau hợp nhất cũng khác.
 
Theo Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ, ngay sau hợp nhất, lãnh đạo Thành phố đã rất quan tâm đến các huyện, đến an sinh xã hội, chăm lo cho các hộ nghèo. Từ một huyện còn khó khăn, đến nay, Phúc Thọ đã vươn lên trong xây dựng nông thôn mới, chỉ còn 2 xã chưa đạt. Thu nhập bình quân đầu người đến hết 2017 đạt 38 triệu đồng người/năm, gấp 4 lần so với thời điểm trước hợp nhất.
 
Bí thư Huyện ủy Ba Vì Hà Xuân Hưng phát biểu tham luận tại hội nghị
 
Cùng quan điểm này, Bí thư Huyện ủy Ba Vì Hà Xuân Hưng cho rằng, thời điểm sau hợp nhất, các đồng chí lãnh đạo Thành phố đã quan tâm, nhiều lần về huyện làm việc để nắm bắt, tháo gỡ khó khăn. Những khó khăn, vướng mắc của Ba Vì cũng như các huyện khác đã được Thành phố tổng hợp, xây dựng thành Chương trình số 02 của 2 nhiệm kỳ Đại hội, rồi Nghị quyết 06 về phát triển kinh tế - xã hội khu vực đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Chính vì thế, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội của Ba Vì, nhất là về giao thông, kiên cố hóa trường học… được ưu tiên đầu tư, tạo diện mạo khởi sắc cho các vùng nông thôn, Bí thư Huyện ủy Ba Vì nhấn mạnh.
 

Nguồn: Cổng TTĐT Thành phố Hà Nội