HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH

Bác Hồ với thương binh và gia đình liệt sỹ
Publish date 26/07/2019 | 8:18 AM  | View count: 646

Sinh thời Bác Hồ rất quan tâm công tác “đền ơn đáp nghĩa” cả trên vị trí Chủ tịch nước và tư cách một công dân. Từ kỷ niệm ngày thương binh – liệt sĩ đầu tiên đến khi qua đời, Bác Hồ đã viết tới 25 bức thư động viên thăm hỏi thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, thể hiện tình thương yêu con người sâu sắc, bao la, khắc sâu một tấm lòng nhân hậu, chăm lo, trân trọng đối với những người đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc, vì đồng bào. Đồng thời chỉ đạo các cấp các ngành thường xuyên chăm lo công tác “đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn”. Đó là tình cảm, nhân cách đạo đức Hồ Chí Minh .

Bác Hồ thăm các thương binh nặng ở Trung tâm điều dưỡng Thuận Thành (Bắc Ninh).

Cuộc kháng chiến trường kỳ chống Thực dân Pháp bắt đầu, chúng ta đã giành những thắng lợi to lớn, nhưng không tránh khỏi tổn thất. Tháng 6-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị chọn một ngày trong năm làm ngày thương binh để nhân dân ta có dịp tỏ lòng biết ơn, yêu mến. Thực hiện chỉ thị đó, các cơ quan, các ngành ở trung ương và tỉnh Thái Nguyên đã họp ở xã Phú Minh, huyện Đại Từ, thống nhất lấy ngày 27-7-1947 làm ngày thương binh toàn quốc. Vào lúc 18 giờ ngày 27-7-1947, khoảng 300 đại biểu Đảng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu quốc, Đoàn thanh niên, Nha thông tin, Cục Chính trị Quân đội, chính quyền huyện, xã, bộ đội, và nhân dân địa phương đã họp mít tinh tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ , Thái Nguyên để nghe công bố bức thư đầu tiên của Bác Hồ gửi Ban thường trực của Ban tổ chức ngày thương binh toàn quốc, và ghi nhận sự ra đời ngày thương binh toàn quốc, thư Bác viết: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ, của tổ tiên ta bị uy hiếp. Cha mẹ, anh em, vợ con thân thích, họ hàng ta bị đe doạ. Của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta. Đó là những chiến sỹ mà nay một số thành thương binh.

 

Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu, để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí đó chịu ốm yếu. Vì vậy Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những con người anh hùng ấy… Ngày 27-7 là dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái và tỏ lòng thương yêu thương binh” (sau đổi thành ngày thương binh - liệt sỹ). Bác Hồ cũng “gửi tặng một chiếc áo lụa của chị em phụ nữ đã biếu Người, một tháng lương và tiền ăn một bữa của Người và các nhân viên tại phủ chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng”.

 

Thời gian sau này Bác đã viết nhiều thư động viên, thăm hỏi, biếu tiền, tặng quà cho thương binh, gia đình liệt sỹ. Trong một bức thư nhân ngày thương binh- liệt sỹ Bác viết tràn đầy tình thương yêu và đau xót: “Khi ngoại xâm ào ạt đến, nó như một trận lụt to. Nó sẽ đe doạ tràn ngập cả non sông Tổ quốc. Nó đe doạ cuốn trôi cả tính mệnh, tài sản, chìm đắm cả bố mẹ, vợ con cuả dân ta. Trước cơn nguy biến ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta đã dũng cảm xông ra trước mặt trận. Họ quyết đem xương máu của họ đắp thành một bức thành đồng, một con đê vững để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào.

 

Họ quyết hy sinh gia đình và tài sản của họ để bảo vệ gia đình và tài sản đồng bào.

 

Họ quyết liều chết chống địch để cho Tổ quốc và đồng bào sống.

 

Họ là những chiến sỹ anh dũng của chúng ta.

 

Trong đó có người bỏ một phần thân thể ở trước mặt trận. Có người đã bỏ mình ở chiến trường. Đó là thương binh, đó là tử sỹ. Ngày nay bố mẹ họ mất một người con yêu quý. Vợ trẻ trở nên bà goá. Con dại trở nên mồ côi. Trên bàn thờ gia đình thêm một linh bài tử sỹ. Tay chân tàn phế của thương binh sẽ không mọc lại được. Và những tử sỹ sẽ không thể tái sinh”.

 

Tình thương yêu của Bác Hồ đối với thương binh và gia đình liệt sỹ vô cùng rộng lớn và thiết tha. Khi nhận  được tin người con trai Bác sỹ Vũ  Đình Tụng hy sinh, Bác viết thư thăm hỏi: “Tôi được biết rằng con trai của Ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Ngài biết rằng Tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của Tôi, tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của Tôi. Mất một thanh niên, thì hình như Tôi đứt một đoạn ruột. Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi,  tinh thần họ đã luôn luôn sống với non sông Việt Nam”.

 

Ngay sau ngày Thủ đô được giải phóng, Bác Hồ cùng các đồng chí Trường Chinh, Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đã đến đặt vòng hoa trước đài liệt sỹ mới được dựng trên Quảng trường Ba Đình. Lời diễn từ của Người đau thương và xúc động : “Hỡi các liệt sỹ! Trong lúc cả nước vui mừng thì mọi người đều thương tiếc các liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì dân tộc. Máu nóng của các liệt sỹ đã nhuộm lá quốc kỳ. Tiếng thơm của các liệt sỹ sẽ muôn đời truyền với sử xanh. Một nén hương thanh. Vài lời an ủi”. Trong thư gửi phụ nữ nhân ngày 8-3-1952, Bác viết : “Tôi kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn các nữ liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc … Tôi kính chào các bà mẹ có con trong bộ đội, và các bà mẹ, cùng vợ con của liệt sĩ ” . 

 

Dịp tết năm 1956, vào lúc giao thừa, Bác đến thăm trường thương binh hỏng mắt Hà Nội, lúc anh chị em đang liên hoan, đón nghe thơ chúc Tết của Bác. Bác thăm hỏi sức khoẻ mọi người. Một thương binh hỏi thăm sức khoẻ của Bác. Bác nói: “ Muốn Bác khoẻ thì các chú phải giữ gìn sức khoẻ ”. Một người đề nghị được nắm tay Bác vì không nhìn thấy Bác, vì quá xúc động, Bác chúc Tết, rồi ra về. Ngồi trên xe mà mắt Bác ngấn lệ. 

 

Bác Hồ luôn luôn quan tâm đến chính sách đối với thương binh và gia đình liệt sĩ. Trong thư gửi cụ Bộ Trưởng Bộ Thương binh tháng 7-1951 Bác viết: “… anh em thương binh đã hy sinh một phần xương máu để giữ gìn Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, đã tận trung với nước,tận hiếu với dân… Song đối với những người con trung hiếu ấy Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng. Mỗi xã phải tuỳ theo sự cố gắng và khả năng chung mà đón nhận một số anh em thương binh. Giúp họ lâu dài chứ không phải trong một thời gian ngắn”. Người còn căn dặn cặn kẽ : “Đồng bào nên hết sức giúp đỡ anh em thương binh, nên coi đó là một nghĩa vụ của nhân dân đối với những chiến sỹ bị thương, bị bệnh. Không nên coi đó là một việc làm phúc”. Trong Di chúc, Bác để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, trước lúc Người đi xa có đoạn viết: “Đối với những người đã dũng cảm hi sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…) Đảng, Chính phủ, và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “ tự lực cánh sinh” … “Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh, liệt sĩ ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”… “Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng, xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”.

 

Từ tình thương của Bác đối với thương binh, liệt sĩ, Bác luôn luôn giáo dục cho các thế hệ phải ghi nhớ công ơn của họ. Trong diễn văn đọc tại buổi lễ kỉ niệm 30 năm thành lập Đảng (1960) khi nói về thương binh liệt sĩ Bác viết : “ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây. Trong cuộc tưng bừng vui vẻ hôm nay, chúng ta phải nhớ đến những anh hùng, liệt sĩ  của Đảng, của dân ta … Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt tất cả khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ chuyển lại cho chúng ta… ”

 

Đối với thương binh, Bác căn dặn: “Các chú là những chiến sĩ đã được quân đội nhân dân rèn luyện về đạo đức và kỷ luật cách mạng, là những người con đã hy sinh một phần xương máu để bảo vệ nước nhà . Vậy các chú cần phải giữ vững truyền thống tốt đẹp và vẻ vang của quân đội cách mạng là: giữ gìn kỉ luật, đoàn kết chặt chẽ, thật sự đoàn kết, thương yêu giữa anh em  thương, bệnh binh với nhau, giữa thương, bệnh binh với cán bộ và nhân viên giúp việc ở trại, giữa thương, bệnh binh trong trại với đồng bào xung quanh” (thư gửi thương, bệnh binh trại an dưỡng Hà Nam 6-1957). Người còn nhắc nhở: “khi đã khôi phục sức khoẻ , các đồng chí hăng hái tham gia công tác tăng gia sản xuất để giúp ích cho Tổ quốc, cũng như các đồng chí đã anh dũng giữ gìn non sông , các đồng chí sẽ trở nên người công dân kiểu mẫu ở hậu phương, cũng như các đồng chí đã làm chiến sĩ kiểu mẫu ở ngoài mặt trận”… “Phải hoà mình với nhân dân, tôn trọng nhân dân, tránh phiền nhiễu nhân dân. Phải tránh tâm lý “công thần”, coi thường lao động, coi thường kỷ luật”.

 

Bảy mươi mốt năm, kể từ ngày thương binh - liệt sỹ đầu tiên đến nay, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp, tổ chức nhiều hoạt động để toàn dân được thực hiện “đền ơn đáp nghĩa” như: Pháp lệnh đối với người có công, Pháp lệnh về phong tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thực hiện đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ. Phát động các phong trào về chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, đỡ đầu nuôi dưỡng bà mẹ Việt Nam Anh hùng, phong trào xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ xây dựng sửa chữa nhà cho các đối tượng người có công, bố trí giải quyết việc làm cho con liệt sỹ, tặng sổ tiết kiệm cho các đối tượng khó khăn. Các hoạt động đã được triển khai trong toàn xã hội, từ các cấp ở trung ương đến tất cả các cấp chính quyền, đoàn thể, hiệp hội ở địa phượng.  Cùng với đó, bản thân thương binh cũng phấn đấu theo lời Bác dặn, vươn lên, nhiều người không những là tấm gương sáng về rèn luyện, vượt qua khó ổn định cuộc sống mà còn trở thành những mẫu mực về đức độ và điển hình về lao động. …

 

Bằng những chỉ đạo cụ thể, lời nói ân tình, hành động gương mẫu của Bác Hồ đã làm cho hơn 90 triệu người dân đất Việt hiểu sâu sắc ý nghĩa, ân tình với các thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với nước suốt 71 năm qua.

 

Học tập tư tưởng đạo đức, phong cách của Bác chúng ta cần làm tốt hơn nữa công tác “đền ơn đáp nghĩa” đem lại hạnh phúc tốt hơn cho người có công, là trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng đối với quá khứ hào hùng của dân tộc và tương lai tươi sáng của các thế hệ mai sau. Cũng là tấm lòng của mỗi người tri ân công lao to lớn của Bác Hồ.

 

Trần Công Huyền