HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình ở cấp ủy cơ sở
Publish date 08/03/2019 | 8:27 AM  | View count: 583

Để thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Quân ủy Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng có hiệu quả, một trong những giải pháp là tiếp tục quán triệt, học tập và thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình (TPB và PB) theo Tư tưởng Hồ Chí Minh trong các cấp ủy đơn vị cơ sở.

Trong nhiều bài viết về đạo đức cách mạng và xây dựng Đảng, Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ TPB và PB là một nguyên tắc xuyên suốt, thiết thực trong xây dựng Đảng, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên. Mục đích chính của TPB và PB là phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm. Người chỉ rõ: “Phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình. Tự phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của bản thân mình. TPB&PB phải đi đôi với nhau”.

Phê bình và tự phê bình một mặt là để sửa chữa cho nhau, mặt khác để khích lệ đồng chí mình tiến bộ. Người có ưu điểm phải cố gắng phát huy, vươn lên không ngừng; người có khuyết điểm phải chân thành nhận thấy để sửa chữa. TPB và PB không phải “bới lông, tìm vết”, hạ bệ nhau hoặc phê bình người mà không nghiêm khắc tự phê bình mình; nể nang, né tránh, chỉ nhấn mạnh ưu điểm khi phê bình cấp trên để tâng bốc, nịnh hót... Đó là biểu hiện cơ hội chủ nghĩa. Người khẳng định “Ta phải biết cách phê bình sáng suốt, khôn khéo, như chiếu tấm gương cho mọi người soi thấu những khuyết điểm của mình, để tự mình sửa chữa, và “luôn luôn dùng và khéo dùng cách phê bình, thì khuyết điểm nhất định hết dần, ưu điểm nhất định thêm lên và Đảng ta nhất định thắng lợi”. Với tư cách đảng viên cộng sản, phê bình là hành động cách mạng, là cử chỉ văn hóa trong Đảng. Do vậy, tiếp thu phê bình cũng là thái độ văn hóa, vì lợi ích và sự nghiệp chung của Đảng, của dân tộc.

Đảng ta quy định rõ TPB và PB là một nguyên tắc và là một trong những chế độ trong sinh hoạt đảng. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và XII) quy định rõ nội dung, cách thức, biện pháp tổ chức kiểm điểm, TPB và PB, làm từ trên xuống, chắc chắn, hiệu quả. Thực hiện đúng sẽ ngăn chặn được hiện tượng mất đoàn kết, vô tổ chức, kỷ luật, nguyên tắc tập trung dân chủ được phát huy; ngăn ngừa tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa, góp phần giáo dục đội ngũ cán bộ, đảng viên, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh. Do vậy, để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), nhất thiết phải tiếp tục học tập, quán triệt nắm vững tư tưởng Hồ Chí Minh về TPB và PB bằng cách:

Một là, cấp ủy ở đơn vị cơ sở phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên tự giác TPB và PB trong các tổ chức đảng và đảng viên. 

Để thực hiện TPB và PB một cách tự giác, nghiêm túc, hiệu quả, đòi hỏi cấp ủy các cấp ở đơn vị cơ sở phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, nghiêm túc. Cấp ủy, nhất là người đứng đầu phải thực sự làm gương. TPB và PB theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), cần nghiên cứu kỹ 27 biểu hiện mà Nghị quyết đã chỉ ra gắn với tự đánh giá theo chức trách, nhiệm vụ được giao. Trong kiểm điểm TPB và PB phải thật sự tạo không khí dân chủ, cởi mở để cấp ủy viên, đảng viên và quần chúng góp ý phê bình một cách thẳng thắn, chân tình, đầy đủ, trách nhiệm và có tính xây dựng.

Hồ Chí Minh khẳng định: “Ai cũng cần tắm rửa cho mình sạch sẽ. Thì ai cũng cần tự phê bình cho tư tưởng và hành động được đúng đắn”; “Ngày nào cũng phải ăn cho khỏi đói, rửa mặt cho khỏi bẩn, thì ngày nào cũng phải tự phê bình cho khỏi sai lầm”. TPB và PB không chỉ diễn ra một đợt, không làm theo phong trào mà cần phải thường xuyên, liên tục, nghiêm túc, đạt yêu cầu trong các buổi sinh hoạt đảng. Khắc phục triệt để hiện tượng hình thức, chiếu lệ, nể nang, né tránh, đảng viên, quần chúng không dám nói hết chính kiến của mình. Đó là biện pháp quan trọng tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng.

Hai là, thực hiện tự phê bình và phê bình phải thẳng thắn, trung thực, khách quan, công tâm, nghiêm túc, hiệu quả.

Hồ Chí Minh khẳng định đoàn kết là sức mạnh. Muốn đoàn kết chặt chẽ, tiến bộ mau chóng, thì mọi người phải sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm. Mà muốn được như thế thì không có cách gì hơn là thật thà TPB và PB với thái độ thành khẩn, nghiêm túc, đúng mực. Tuyệt đối không nên có ý mỉa mai, bới móc, báo thù. Không nên “trước mặt không nói, xoi mói sau lưng”.

Đảng ta chỉ rõ quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật. Do vậy, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh trong TPB và PB và thực hiện kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) phải nói thật những hạn chế, khuyết điểm, sai lầm trước tổ chức đảng. Nếu đảng viên vi phạm khuyết điểm đến mức phải xử lý kỷ luật phải căn cứ vào nguyên tắc, quy định, tiến hành công minh, khách quan, công tâm, có lý có tình và theo phương châm “trị bệnh cứu người” theo phân cấp. Đảng viên có ưu điểm được động viên khích lệ tiếp tục phát huy. Trong mỗi người đều có mặt tốt, mặt chưa tốt. Tổ chức đảng phải biết phát huy, khơi gợi mặt tốt, làm rõ nguyên nhân dẫn đến sai lầm, khuyết điểm, khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, hạn chế.

Người được phê bình và mỗi đảng viên tự phê bình phải có thái độ đúng đắn, cầu thị, khuyết điểm đến mức nào thì phê bình đến mức đó, tránh “đao to búa lớn”. Việc phê bình người khác phải nhớ lời Bác dạy: nghiêm túc nhưng phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, vì: “Phê bình là quyền lợi và nhiệm vụ của mọi người, là thực hành dân chủ... Không phê bình tức là bỏ mất một quyền dân chủ của mình”. “Ngừng TPB và PB tức là ngừng tiến bộ, tức là thoái bộ”. Có như vậy mới có tác dụng giáo dục và tìm ra những biện pháp hữu hiệu để khắc phục khuyết điểm, nhân rộng ưu điểm, tạo điều kiện cho đơn vị và mọi cá nhân đều tiến bộ, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.

Ba là, tự phê bình và phê bình phải gắn với xử lí kỷ luật nghiêm minh.

Nghị quyết Trung ướng 4 (khóa XII) yêu cầu: Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; cán bộ, đảng viên vi phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, chính xác, đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng”. TPB và PB gắn liền với xử lý nghiêm vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội. Muốn vậy phải thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, có khuyết điểm hoặc dấu hiệu vi phạm, nhất là trong thực hiện chỉ thị, nghị quyết, Điều lệ Đảng và các quy định cụ thể về pháp luật.

TPB và PB không thể có thái độ thành kiến, trù dập. Đồng thời có biện pháp bảo vệ người phê bình đã dũng cảm đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa. Người có khuyết điểm, hạn chế được phê bình phải sửa chữa. Những khuyết điểm đến mức phải xử lý kỷ luật phải thi hành đúng nguyên tắc, quy định, quy trình và thông báo đến đúng thành phần, đối tượng làm bài học cho người khác.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ta, có ý nghĩa quyết định nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng ở cơ sở, giữ gìn phẩm chất, đạo đức tư cách đảng viên, nâng cao uy tín của Đảng, củng cố niềm tin của quần chúng đối với Đảng. Quán triệt, học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về TPB và PB, thực hiện tốt kiểm điểm, duy trì thường xuyên, nền nếp TPB và PB trong cấp ủy cơ sở là cơ sở quan trọng nhằm xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.  
Nguyễn Thành Chung và Hồ Hồng Quân Trường Đại học Nguyễn Huệ