THÔNG TIN LÝ LUẬN

Đổi mới dạy và học các môn lí luận chính trị trong nhà trường thuộc Khối Đại học và Cao đẳng Hà Nội
Publish date 24/09/2019 | 4:00 PM  | View count: 1330

Đổi mới dạy học các môn Lý luận chính trị là quá trình tiến bộ hóa toàn diện hoạt động dạy học các môn học này, bao gồm việc tiến bộ hóa tư duy, phẩm chất và năng lực người dạy; mục đích và nội dung dạy học; môi trường giáo dục và phương thức liên kết các yếu tố trong quá trình dạy học. Như vậy, đổi mới dạy học  các môn lý luận chính trị gồm: đổi mới tư duy dạy học; đổi mới mục đích dạy học; đổi mới hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá học tập.

Nội dung đổi mới tư duy giảng dạy là một mặt phải đổi mới nhận thức của giảng viên về toàn bộ những nguyên lý, quy luật hoạt động giảng dạy của mình. Mặt khác là xây dựng hệ thống các nguyên lý, quy luật chỉ đạo hoạt động giảng dạy, bao gồm từ những vấn đề về nguyên tắc xác định mục tiêu, nội dung, hình thức tổ chức giảng dạy, đánh giá học tập và hiệu quả giảng dạy.

Nội dung của đổi mới mục đích dạy học là chuyển từ việc lấy nhận thức nắm vững nội dung là chính sang mục đích lấy nắm vững nội dung để hiểu được tinh thần – phương pháp luận rút ra từ nội dung đó là chính. Đổi mới nội dung gồm đổi mới hướng xây dựng chương trình; thay thế những nội dung lạc hậu và bổ sung nội dung tri thức hiện đại. Đồng thời, mục đích của dạy học theo tinh thần của Nghị quyết 29/NQTW là chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực, tức là dạy học phải hướng đến phát triển phẩm chất và năng lực cho người học.

Giảng viên cần sử dụng tốt các phương pháp dạy học tích cực như thảo luận nhóm, phương pháp nêu vấn đề, phương pháp kể chuyện, phương pháp đóng vai, kỹ thuật bản đồ tư duy, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học... Bởi lẽ đây là những phương pháp dạy học theo hướng lấy người học làm trung tâm, phát huy tính tích cực chủ động, sáng tạo của người học.

Phương pháp dạy học giải quyết vấn đề (prolem solving method) hay dạy học dựa trên vấn đề ( problem based learning) hoặc dạy học đặt và giải quyết vấn đề (problem posing and solving) là phương pháp trong đó giảng viên đặt ra trước người học một (hay hệ thống) vấn đề nhận thức, chuyển họ vào tình huống có vấn đề, sau đó giáo viên phối hợp (hoặc hướng dẫn, điều khiển) người học giải quyết vấn đề, đi đến những kết luận cần thiết của nội dung học tập. Hiện nay, các phương pháp đang được giáo viên áp dụng:

Đối với các môn Lý luận chính trị, vận dụng phương pháp dạy học giải quyết vấn đề là phù hợp với quan điểm nhận thức Mác xít. Lênin nhấn mạnh rằng học chủ nghĩa cộng sản không thể chỉ thuộc lòng từng câu, từng chữ với những công thức có sẵn trong sách giáo khoa. Trước thực tiễn sinh động, những mâu thuẫn trong đời sống xã hội, con người phải tư duy sáng tạo mới có thể phát hiện được quy luật của đời sống xã hội. Vì thế rất cần phải chú trọng đến việc rèn luyện cho người học năng lực giải quyết vấn đề trong quá trình dạy học các môn Lý luận chính trị.

* Các mức độ trong dạy học nêu và giải quyết vấn đề

- Mức độ 1: Giảng viên nêu vấn đề và tự giải quyết vấn đề

- Mức độ 2: Giảng viên nêu vấn đề và cùng với sinh viên giải quyết vấn đề

- Mức độ 3: Giảng viên nêu vấn đề và sinh viên giải quyết vấn đề

- Mức độ 4: Sinh viên phát hiện vấn đề và tự giải quyết vấn đề

* Các bước thực hiện phương pháp giải quyết vấn đề

Bước 1: Nêu hoặc phát hiện vấn đề (người học được đưa vào tình huống có vấn đề)

Bước 2: Nghiên cứu, phân tích và giải quyết vấn đề

Bước 3: Kết luận vấn đề

Một trong những yêu cầu của môn Lý luận chính trị là sinh viên phải biết vận dụng kiến thức vào phân tích các vấn đề của thực tiễn, chính vì vậy, trong quá trình giảng dạy giáo viên cần linh hoạt sử dụng phương pháp tình huống phù hợp với nội dung bài học.

Yếu tố cấu thành chủ yếu của phương pháp này là dựa trên các tình huống thực tế của cả học viên và giảng viên. Mục đích chính của các tình huống là để miêu tả, trao đổi kinh nghiệm về cách thức giải quyết vấn đề và những mâu thuẫn trong khi thực hiện công việc được giao. Bằng những tình huống khác nhau cần phải giải quyết trong khoảng thời gian định sẵn cùng nguồn lực có hạn, người học được đặt vào vị trí cần phải đưa ra quyết định hoặc kêu gọi sự hỗtrợ của các thành viên cùng nhóm để tìm hướng giải quyết hợp lý. Sự đa dạng của các tình huống được đưa lên không chỉ khuyến khích người học phát huy tính chủ động, óc sáng tạo mà còn đem đến sự thoải mái, sảng khoái về mặt tinh thần khi tham dự lớp. Yếu tố này làm người học có thể tiếp thu nội dung kiến thức bài giảng dễ dàng, sâu và nhớ lâu hơn các phương pháp giảng dạy truyền thống (Scholz và Olaf, 2002).

Phương pháp dạy học bằng tình huống gồm có ba thành phần có liên quan với nhau:

- Thứ nhất: Nội dung của tình huống cần nêu bật các vấn đề được đặt ra mang tính thực tiễn cao, có tính logic của vấn đề cần được mang ra phân tích, đánh giá cụ thể.     

- Thứ hai: Phân tích tình huống, từ các vấn đề nêu ra trong tình huống sinh viên xây dựng các câu hỏi cụ thể về các vấn đề cần giải quyết, cần quan tâm, cách thức giải quyết vấn đề trong tình huống.

- Thứ ba: Thảo luận tình huống, nêu ra các giải pháp để giải quyết các vấn đề gắn với nội dung môn học.

Tuy nhiên, áp dụng phương pháp giảng dạy tình huống đòi hỏi người giảng viên cần phải lựa chọn được tình huống tốt, có tính thực tiễn cao nhưng không quá sức với người học. Việc tổ chức lớp học tham gia nghiên cứu tình huống cần được chuẩn bị kỹ, nguồn tài liệu phải phong phú và dễ tiếp cận. Câu hỏi được đặt ra cần bám sát với nội dung bài giảng nhưng không được đi ngay vào trọng tâm, vì kết luận và hướng người học vào phần trọng tâm sẽ được giảng viên thực hiện vào phần cuối cùng của buổi nghiên cứu tình huống.

“Phương pháp thuyết trình là phương pháp giáo viên sử dụng ngôn ngữ và phi ngôn ngữ để cung cấp cho người học hệ thống thông tin về nội dung học tập. Người học tiếp thu hệ thống thông tin đó từ người dạy và sử lý chúng tuỳ theo chủ thể người học và yêu cầu của người học”.

“Thuyết trình là dùng lời nói của giáo viên để thuyết minh, trình bày một vấn đề có tính lý luận nhằm truyền đạt, thông báo, bày tỏ nội dung khoa học nào đó”

Đây là phương pháp dạy học đã có từ lâu và đang là phương pháp dạy học được áp dụng phổ biến trong hệ thống giáo dục đào tạo ở nước ta hiện nay. Bất kỳ môn học nào cũng không thể không sử dụng phương pháp thuyết trình, đối với các môn Lý luận chính trị thì lại càng sử dụng thuyết trình. Bởi lẽ, để sinh viên biết và hiểu được những vấn đề lý luận thì giáo viên phải phân tích, giải thích, diễn giải cho sinh viên thông qua thuyết trình. Tuy nhiên, để phương pháp thuyết trình không trở nên nhàm chán, một chiều thì trong quá trình giảng dạy, khi giải thích một nội dung lý luận chính trị nào đó giáo viên đều phải đưa ra những ví dụ, dẫn chứng trong thực tiễn để minh họa, làm rõ. Bên cạnh đó, giáo viên có thể sử dụng kết hợp những thước phim, hình ảnh trong thực tiễn để bài giảng trở nên sống động, thu hút sự chú ý của sinh viên.

Do đó, để phương pháp thuyết trình hiệu quả, khắc phục những nhược điểm của nó thì người giáo viên cần linh hoạt sử dụng phương pháp thuyết trình theo những hướng sau:

Một là, giáo viên cần có vốn hiểu biết thực tế vững chắc, có chuyên môn vững vàng khi đó sẽ tạo ra phong cách tự tin trong giảng dạy, linh hoạt, mềm dẻo trong việc vận dụng các phương pháp dạy học.

Hai là, khi tiến hành thuyết trình, giáo viên phải trình bày vấn đề một cách khoa học theo dàn ý nhất định; lời nói giáoviên phải có sức thuyết phục, tức là phải có luận cứ, luận chứng rõ ràng chính xác, sinh động, hấp dẫn người nghe. Điều này, thể hiện kỹ năng của người giáo viên từ lập kế hoạch giảng dạy, thiết kế bài giảng đến thiết kế các hoạt động dạy và học... Cho nên, nghiên cứu vấn đề kinh điển là một việc cần thiết, là yêu cầu bắt buộc đối với giảng viên các môn Lý luận chính trị, để từ đó giảng viên hiểu đúng thực chất, chính xác các quan điểm, nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin. Đó là cơ sở lý luận tin cậy nhất trong quá trình nghiên cứu, biên soạn bài giảng. Sử dụng hợp lý kinh điển sẽ nâng cao chất lượng bài giảng, đem lại sự hấp dẫn cho người học. Đồng thời để tăng sức thuyết phục cho người học dễ hiểu thì giảng viên phải chú ý liên hệ thực tiễn, các sự kiện thực tế đưa vào bài giảng phải có thực, có ý nghĩa, mang tính điển hình, tính thời sự và phải có sự phân tích, lý giải ở chiều sâu để đảm bảo sự thống nhất giữa lý luận vŕ thực tiễn. Có thực tiễn minh họa bài giảng sẽ hay hơn và sinh động hơn, người học sẽ tiếp thu nhanh và dễ hiểu bài.

Ba là, vận dụng phối hợp với các phương pháp dạy học khác (như vấn đáp, trực quan, thảo luận nhóm…), phượng tiện kỹ thuật hỗ trợ như máy chiếu, video… để khắc phục hạn chế của phương pháp thuyết trình. Vì thế, người giảng viên cần căn cứ vào nội dung từng bài, căn cứ vào điều kiện, phương tiện kỹ thuật, năng lực, trình độ nghiệp vụ sư phạm để lựa chọn và lồng ghép các phương pháp cho phù hợp.

Bốn là, sử dụng phương pháp thuyết trình theo hướng tích cực hoá người học

- Thuyết trình theo kiểu diễn giảng: dùng để giới thiệu phạm trù, khái niệm mới...

- Thuyết trình theo kiểu kể chuyện: thông qua việc cung cấp những thông tin mới về kinh tế - xã hội, những câu chuyện trong văn học, phim ảnh để minh hoạ, chứng minh cho những luận điểm...

- Thuyết trình mô tả phân tích: trong các phương pháp dạy học tích cực hiện nay, chúng ta có thể trình chiếu nhiều sơ đồ, đồ thị...nhưng nếu các sơ đồ, đồ thị đó không được phân tích thông qua phương pháp thuyết trình thì người học khó có thể tiếp thu được.

- Thuyết trình dưới hình thức luận chiến phê phán: Tính Đảng, tính giai cấp của môn Lý luận chính trị đòi hỏi việc dạy học luôn gắn liền với việc phê phán những quan điểm tầm thường, phản khoa học.

Năm là, Kết hợp sử dụng phương pháp thuyết trình với các phương pháp dạy học tích cực

- Kết hợp  thuyết trình với đàm thoại

+ Đàm thoại là quá trình tương tác giữa người dạy với người học được thực hiện thông qua hệ thống các câu hỏi và câu trả lời tương ứng về một vấn đề nhất định do người dạy và người học đặt ra.

- Kêt hợp thuyết trình với phương pháp giải quyết vấn đề

+ Trong quá trình thực hiện bài thuyết trình, người dạy có thể thường kết hợp với phương pháp giải quyết vấn đề. Cách kết hợp thường là: giáo viên đưa ra những câu hỏi hay đặt ra vấn đề có tính nghịch lý, mâu thuẫn giữa kiến thưc, kinh nghiệm đã có của người học với vấn đề giáo viên sẽ trình bày hoặc cũng có thể giáo viên đặt vấn đề dưới dạng nghi vấn. Những câu hỏi, cách đặt vấn đề, cách diễn đạt như vậy được giáo viên lựa chọn, bố trí một cách hợp lý theo sát nội dung bài học, trở thành một bộ phận trong bài thuyết trình do đó có tác dụng tạo ra sự chú ý ở người học, đặt họ ở trạng thái luôn luôn có những thắc mắc cần phải giải đáp. Sự kết hợp này đã làm tăng thêm sự hấp dẫn của bài thuyết trình, tạo nên sự chú ý, kích thích người học tự tìm tòi tri thức để giải quyết mâu thuẫn trong nhận thức của bản thân và cũng nhờ đó khắc phục được những hạn chế của bài thuyết trình.

- Kết hợp thuyết trình với phương pháp trực quan

Trực quan là phương pháp dạy học trong đó giáo viên sử dụng các đồ dùng, các phương tiện dạy học nhằm mục đích minh hoạ, bổ sung thêm cho kiến thức bài giảng. Trong dạy học Giỏo dục chớnh trị, phương pháp trực quan có thể thực hiện dưới nhiều hình thức:

+ Sử dụng tranh ảnh, bản đồ, biểu đồ, số liệu thống kê;

+ Sử dụng phương tiện nghe nhìn;

+ Thông qua tham quan thực tế.

Ngày nay, người ta đặc biệt chú ý đến việc sử dụng các thiết bị kỹ thuật dạy học hỗ trợ, áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông mới cho họat động dạy học Lý luận chính trị.

Với đặc thù của môn Lý luận chính trị, giáo viên cần tạo điều kiện cho sinh viên cơ hội được nói, được bày tỏ, thể hiện quan điểm, chính kiến của mình bằng nhiều hình thức khác nhau trong đó, sử dụng phương pháp thảo luận nhóm là phương pháp hiệu quả, để sinh viên có dịp bày tỏ quan điểm của họ về một vấn đề nào đó.

Phương pháp thảo luận nhóm là phương pháp dạy học trong đó sinh viên của lớp được chia thành nhiều nhóm, các thành viên của nhóm cùng làm việc để đạt được mục tiêu học tập đã đề ra. Phương pháp này giúp cho người học chủ động tích tực trong quá trình chiếm lĩnh tri thức, sinh viên không tiếp nhận kiến thức một cách thụ động, mà bằng sự tự nghiên cứu, trao đổi, thảo luận của mình, sinh viên sẽ sáng tạo tiếp nhận tri thức đồng thời rèn luyện được những kỹ năng và phẩm chất quan trọng trong học tập và trong cuộc sống.

Với phương pháp này, giáo viên là người tổ chức và thiết kế các hoạt động, thành lập các nhóm, đề ra nhiệm vụ của từng nhóm, đồng thời là người điều hành, giám sát, hướng dẫn các nhóm tự nghiên cứu, hoàn thành nhiệm vụ học tập của mình, đồng thời giáo viên là người chủ trì hoạt động thảo luận chung toàn lớp và tổng kết, gợi ý định hướng kiến thức cho sinh viên.

Được sử dụng phổ biến trong giảng dạy các môn lý luận chính trị.  Với cách truyền thụ này, con người sử dụng rất ít khả năng của bộ não để tiếp nhận thông tin. Chính vì vậy, để sử dụng tối đa khả năng ghi nhớ của bộ não, Tony Buzan đã đưa bản đồ tư duy để giúp mọi người thực hiện được mục tiêu này.

Sơ đồ tư duy có những ưu điểm trong giảng dạy các môn lý luận chính trị:

Thứ nhất, sơ đồ tư duy sẽ hệ thống hóa kiến thức một cách khoa học, ngắn gọn.

Thứ hai, sơ đồ tư duy khắc phục cách học vẹt, máy móc, đồng thời sẽ rèn luyện kỹ năng tư duy khoa học, ghi nhớ một cách sâu sắc.

Thứ ba, sử dụng sơ đồ tư duy sẽ phát huy khả năng tương tác giữa giáo viên và sinh viên, phát huy tính chủ động sáng tạo của người học.

Sơ đồ tư duy phù hợp cho việc  học, giúp sinh viên thu thập, phân loại thông tin và nhận biết từ hay sự kiện gợi nhớ then chốt, sơ đồ tư duy  sẽ có công dụng kích thích não làm việc tích cực, sáng tạo.

Có thể thấy rằng, mặc dù nội dung của các môn lý luận chính trị có những đặc thù riêng so với các môn khoa học cơ bản khác như kiến thức lí luận nhiều, yêu cầu sinh viên biết vận dụng các kiến thức lí luận để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn của cuộc sống cũng như tính cập nhật cao giữa nội dung môn học và thực tiễn. Tuy nhiên, đây lại là môn học cung cấp cho sinh viên thế giới quan và phương pháp luận phong phú, tạo cơ sở nền tảng để các em vững vàng phân tích các vấn đề trong thực tiễn. Chính vì vậy, chất lượng dạy và học môn học sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, năng lực của sinh viên. Do đó, việc ứng dụng các phần mềm trong dạy học có môn lý luận chính trị sẽ tạo được hứng thú học tập cho sinh viên, đồng thời giúp sinh viên phát triển một số kỹ năng như: kỹ năng tư duy, kỹ năng thuyết trình…

Để lôi kéo, tạo hứng thú cho sinh viên thì trong quá trình giảng dạy, giáo viên có thể linh hoạt sử dụng trò chơi học tập phù hợp với nội dung bài học.

Tương ứng với các hoạt động trong một giờ dạy như: khởi động, khám phá, vận dụng, tổng kết, giáo viên có thể thiết kế trò chơi học tập phù hợp. Ví dụ với hoạt động khởi động, giáo viên có thể tổ chức trò chơi đoán chữ dựa trên những hình ánh/ đoạn nhạc… để sinh viên có thể tìm ra từ khóa, và các từ khóa này phù hợp với kiến thức của bài học để dẫn nhập vào bài.

Hoặc giáo viên có thể sử dụng trò chơi: ô chữ bí mật, đuổi hình bắt chữ, đường lên đỉnh Olympia, rung chuông vàng… trong các phần tổng kết bài, hoặc tổng kết ôn tập của chương để giúp sinh viên không chỉ nắm bắt được kiến thức của bài học mà còn tạo sự hứng thú, háo hức của tất cả người học, không khí lớp học trở nên sôi động hơn.

Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả của việc sử dụng trò chơi học tập trong dạy học đòi hỏi người dạy phải tâm huyết, có am hiểu về công nghệ thông tin, phải đầu tư thời gian, sáng tạo thì mới có thể thiết kế các trò chơi phù hợp.

Đây là một hình thức dạy học khuyến khích được tinh thần ham học hỏi của sinh viên. Đồng thời cũng là cơ hội để các em đối chiếu kiến thức đã được học trong sách vở với thực tiễn.

Giảng viên có thể giới thiệu chuyến thăm quan ngay từ đầu khóa học, và khuyến khích các em hăng hái tham gia dựa trên kết quả học tập. Sau chuyến thăm quan, các em sẽ viết bài tiểu luận nhỏ dựa trên quan sát, kiến thức của mình.

TS. Vũ Tuấn Dũng

Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy Khối