TIN TỨC - SỰ KIỆN

Tổng hợp phiên khai mạc và kết quả ngày làm việc thứ nhất (phiên chính thức ngày 12/10) Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố Hà Nội
Publish date 13/10/2020 | 10:30 AM  | View count: 2885

Ngày 12/10, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô, Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đã chính thức khai mạc.

 
Trong buổi làm việc sáng 12/10, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tới dự và chỉ đạo Đại hội. Đại biểu Trung ương dự Đại hội có các đồng chí: nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An;  nguyên Ủy viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Thế Duyệt; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; nguyên Phó Chủ tịch nước; Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; đại biểu các bộ, ban, ngành Trung ương; đại biểu một số tỉnh, thành phố; đại biểu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, lão thành cách mạng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, công dân Thủ đô ưu tú; nguyên lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố qua các thời kỳ; lãnh đạo các sở, ban, ngành...
 
Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu khai mạc Đại hội. Tiếp theo, đồng chí Hoàng Trọng Quyết, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm UBKT Thành ủy, Trưởng Ban thẩm tra tư cách đại biểu Báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu dự Đại hội lần thứ 17 Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2020 -2025.

Tiếp theo, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy trình bày Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội khóa XVI.  Báo cáo khẳng định, trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã chấp hành nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, với nhiều cách làm sáng tạo và quyết liệt, nỗ lực, quyết tâm thực hiện đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thủ đô và Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố đi vào cuộc sống. Thành ủy đã triển khai kịp thời, hiệu quả 8 chương trình công tác lớn toàn khóa, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật.  
 
Kinh tế Thủ đô tiếp tục được cơ cấu lại, nhất là trên các lĩnh vực trọng tâm, chuyển đổi mô hình tăng trưởng đạt kết quả tích cực, kinh tế tăng trưởng khá, cao hơn bình quân chung cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng hiện đại, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của cả nước. Diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi, ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp hơn; khang trang, văn minh, hiện đại hơn. Sự nghiệp văn hóa - xã hội; giáo dục - đào tạo; y tế; khoa học - công nghệ tiếp tục phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Chăm lo cho con người và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh có chuyển biến tích cực; các giá trị văn hóa truyền thống ngàn năm văn hiến được gìn giữ và phát huy. Tiếp tục dẫn đầu cả nước nhiều chỉ tiêu về văn hóa, giáo dục - đào tạo, thể dục, thể thao, nhất là thể thao thành tích cao. Năng lực y tế được nâng lên. Chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô từ thành thị đến nông thôn, khu vực xa trung tâm, đồng bào dân tộc được cải thiện rõ rệt. 
 
Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh của Thủ đô tiếp tục được củng cố; trật tự, an toàn xã hội có chuyển biến tốt hơn; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng, tạo dấu ấn quan trọng; phối hợp với các cơ quan Trung ương, hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố trong nước được đẩy mạnh. Vai trò, vị thế, uy tín của Thủ đô ngày càng được nâng cao cả trong nước và quốc tế.
 
Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Đại hội
 
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng có nhiều đổi mới. Đảng bộ Hà Nội gương mẫu, đi đầu thực hiện nghiêm túc, sáng tạo các Nghị quyết Trung ương (4, 6, 7 khóa XI, XII) gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đạt kết quả toàn diện và quan trọng; củng cố các cơ sở đảng yếu kém; giải quyết tốt nhiều vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên, tạo nền tảng xây dựng Đảng bộ Thành phố trong sạch, vững mạnh. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền được tăng cường, có chuyển biến tích cực. Nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội được đổi mới. Truyền thống đoàn kết, thống nhất, hợp tác, trách nhiệm, bản lĩnh trong cấp ủy và tổ chức đảng các cấp được giữ vững và phát huy, kể cả những lúc khó khăn nhất khi có biến động về lãnh đạo chủ chốt hay thiên tai, dịch bệnh nghiêm trọng.  Các khâu đột phá được tích cực thực hiện. Đột phá về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư có những chuyển biến rõ nét, cơ bản hoàn thành nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đề ra. Đột phá về phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đạt kết quả tích cực. 
 
Trước yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của Thủ đô và cả nước, với tinh thần thực sự cầu thị, Đảng bộ Hà Nội đã nghiêm túc chỉ rõ 7 nhóm hạn chế, yếu kém; nguyên nhân khách quan, chủ quan để có giải pháp khắc phục kịp thời. 
 
Đại hội đề ra Mục tiêu tổng quát đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển Thủ đô đến năm 2045. Đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ Thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD. Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000-13.000 USD. Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là Thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.
 
Năm định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm
 
(1) Tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thí điểm tổ chức thành công mô hình chính quyền đô thị, củng cố chính quyền nông thôn. Đẩy mạnh “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; nâng cao năng lực, tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu; chủ động đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; kiên quyết phòng, chống, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… Củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng bộ.
 
(2) Tận dụng hiệu quả cơ hội từ hội nhập quốc tế, thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với thực hiện đồng bộ 3 đột phá chiến lược. Đi đầu trong việc tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cơ chế, chính sách để khai thác tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển Thủ đô. Sớm cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô. Đẩy mạnh cải cách hành chính; tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế theo các chuẩn mực của OECD. 
 
Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội phát biểu tại Đại hội
 
(3) Phát triển nhanh và bền vững; giải quyết hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá - xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường. Quản trị xã hội hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô, giảm chênh lệch mức sống giữa khu vực đô thị và nông thôn. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và hội nhập quốc tế. Chú trọng phát triển văn hóa và con người Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, ngàn năm văn hiến và anh hùng; Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước, yêu Hà Nội sâu sắc, tôn trọng pháp luật; giàu lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí, khát vọng phát triển, là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô.
 
(4) Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị, dân cư, trật tự xây dựng, an toàn giao thông, bảo đảm kỷ cương, văn minh đô thị. Nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉnh trang, phát triển, hiện đại hóa đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị theo hướng bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh chất lượng xây dựng nông thôn mới, cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo cho được chuyển biến căn bản đối với các vấn đề dân sinh cấp bách về giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông... Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
 
(5) Xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô vững mạnh, toàn diện, ưu tiên hiện đại hóa một số lực lượng; xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh nhân dân vững chắc, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm hiệu quả; bảo vệ tuyệt đối an toàn các cơ quan đầu não của Trung ương và Thành phố, các sự kiện quốc gia, quốc tế. Mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại của Đảng bộ, chính quyền và giao lưu Nhân dân; tăng cường phối hợp, hợp tác với các ban, bộ, ngành Trung ương và liên kết các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hội nhập, tăng cường vị thế, uy tín và vai trò của Thủ đô trong khu vực và quốc tế.
 
Ba khâu đột phá
 
(1) Ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, xây dựng một số công trình tiêu biểu, không gian kiến trúc cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô. Tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô. Phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu…, kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.
 
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy báo cáo tại Đại hội
 
(2) Tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị; cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả phục vụ doanh nghiệp và Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững.
 
(3) Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản lý xã hội, quản trị kinh tế, nhân lực ngành văn hóa, du lịch… Xây dựng và phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội. Khai thác, phát huy tối đa tài nguyên chất xám, nguồn lực trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trên địa bàn Thành phố. Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng xây dựng Thủ đô thành nơi đáng sống. Đề cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển Thủ đô.
 
Tiếp đó, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố trình bày Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội khóa XVI. Nhiệm kỳ 2015 – 2020, Thành ủy Hà Nội đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được Thành ủy đặc biệt coi trọng và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.  Trong nhiệm kỳ, mặc dù có biến động về cán bộ lãnh đạo chủ chốt, song tập thể Thành ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy luôn kiên định, vững vàng, bản lĩnh, trí tuệ lãnh đạo mọi hoạt động của Thành ủy được duy trì liên tục, thông suốt, hiệu quả; huy động được sự nỗ lực phấn đấu, chung sức đồng lòng của cán bộ, đảng viên và lực lượng vũ trang; của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và Nhân dân Thủ đô; ứng phó kịp thời, có hiệu quả với các tình huống phát sinh như công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19... Qua đó, đã thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, hoàn thành và hoàn thành vượt mức 16/16 chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố đã đề ra. Bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo kiểm điểm cũng đã thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế cần khắc phục.
 
Kết thúc phần trình bày Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội khóa XVI, Đại hội tiến hành thảo luận. 
 
Mở đầu, đồng chí Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy tham luận với nội dung “Công tác giáo dục chính trị tư tưởng gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, công chức ở Đảng bộ thành phố Hà Nội”.
 
Đồng chí Nguyễn Doãn Toản, TUV,  Phó Chủ tịch UBND Thành phố trình bày tham luận “Huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững, xứng đáng vai trò đầu tàu của Hà Nội trong phát triển kinh tế vùng và cả nước".
 
Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP báo cáo tại Đại hội
 
Kết thúc phần thảo luận, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước phát biểu chỉ đạo Đại hội. Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Đảng bộ Thành phố Hà Nội đã đạt được nhiệm kỳ qua. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, Thủ đô Hà Nội có ví trí trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, luôn luôn phải giải quyết một khối lượng công việc lớn và khó, nhiều việc chưa có tiền lệ. Nhưng với nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô dã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, chấp hành nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, có nhiều cách làm năng động, sáng tạo đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, các quyết sách của Nhà nước và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố vào cuộc sống. Điểm lại một số thành quả nổi bật của Đảng bộ thành phố trên các mặt công tác, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhận định: “Những kết quả đạt được của Đảng bộ Thủ đô trong nhiệm kỳ qua là to lớn và quan trọng, tạo sự chuyển biến rõ rệt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đóng góp tích cực vào những thành tựu chung của cả nước”. 
 
Lưu ý 7 nội dung quan trọng đối với Đại hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo, Đảng bộ Hà Nội cần nhận thức sâu sắc và phát huy hơn nữa truyền thống ngàn năm văn hiến - an hùng, truyền thống cách mạng kiên cường qua hơn 90 năm xây dựng và trưởng thành, phát huy tốt hơn nữa vai trò, vị thế, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô trong xu thế phát triển chung của đất nước; nêu cao hơn nữa ý chí quyết tâm, tinh thần năng động, sáng tạo, tiếp tục đổi mới tư duy, phong cách lãnh đạo, điều hành, bảo đảm hiệu quả, thiết thực. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về Hà Nội, Luật Thủ đô và các quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, những thành tựu và kinh nghiệm từ tổng kết thực tiễn 35 năm đổi mới, Hà Nội cần xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và những giải pháp khả thi để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, tạo chuyển biến toàn diện, mạnh mẽ hơn trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; phát triển Hà Nội nhanh, bền vững hơn. 
 
Đại biểu bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII
 
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tin tưởng vững chắc rằng, với lịch sử văn hóa lâu đời và truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang, với tinh thần đổi mới, sáng tạo, dân chủ, kỷ cương, đoàn kết, trách nhiệm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội sẽ nắm bắt và phát huy tốt mọi thuận lợi, thời cơ, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, chung sức, đồng lòng, phấn đấu xây dựng Thủ đô Hà Nội thân yêu của chúng ta ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
 
Chiều ngày 12/10, Đại hội tiến hành bầu Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. 
 
Tiếp theo phần Bầu Ban chấp hành nhiệm kỳ 2020-2025, Đại hội tiếp tục phần tham luận. Đồng chí Vũ Thu Hà, TUV, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội trình bày tham luận “Kinh nghiệm sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết 19-QN/TW của Trung ương (khóa XII)”. Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội trình bày tham luận “Tham mưu các cơ chế, chính sách nhằm khai thác, phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực, xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”. Đồng chí Trần Đức Hải, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng trình bày tham luận “Kết quả và kinh nghiệm xây dựng Nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2016 - 2020”. Đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia trình bày tham luận “Đóng góp ý kiến vào Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng”.
 
Sau khi hoàn thành công tác bầu cử, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVII họp phiên thứ nhất.
 
Đại hội đã biểu quyết nhất trí 100% số lượng Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khoá XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 là 71 đồng chí. So với khoá XVI, số lượng Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã giảm 6,5% (Trung ương yêu cầu giảm 5%).
 
Đại biểu biểu quyết số lượng Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khoá XVII
 
Đoàn Chủ tịch Đại hội họp với các Tổ trưởng Tổ đại biểu. Các tổ đại biểu thảo luận về yêu cầu, tiêu chuẩn, cơ cấu Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII và thực hiện ứng cử, đề cử tại tổ đại biểu. Tổ trưởng Tổ đại biểu báo cáo với Đoàn Chủ tịch Đại hội kết quả thảo luận và danh sách nhân sự ứng cử, được đề cử tại các Tổ đại biểu. Đoàn Chủ tịch Đại hội tổng hợp danh sách những người ứng cử, được đề cử tại các Tổ đại biểu, đề xuất những trường hợp được rút và không được rút khỏi danh sách bầu cử, báo cáo Đại hội xem xét, quyết định. Tiếp đó, Đoàn Chủ tịch Đại hội tổ chức lấy phiếu xin ý kiến của Đại hội đối với các trường hợp ứng cử, được đề cử. Đoàn Chủ tịch Đại hội lập danh sách bầu cử; lấy biểu quyết của Đại hội thông qua số lượng và danh sách bầu cử Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII. 
 

Nhóm PV