TIN TỨC NỔI BẬT

Hội thảo khoa học 70 năm tác phẩm "Dân vận" của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày đăng 15/10/2019 | 3:00 PM  | View count: 299

Sáng 14/10, Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học 70 năm tác phẩm "Dân vận" của Chủ tịch Hồ Chí Minh và trao giải cuộc thi viết "Dân vận khéo" năm 2019. Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tuyến từ điểm cầu Trung ương đến các địa phương trên cả nước.

Quang cảnh hội thảo tại điểm cầu Trung ương

 

Dự hội thảo tại điểm cầu Trung ương (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Điểu K'ré, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội.

Tham dự hội thảo tại điểm cầu Hà Nội (219 Trần Phú, Hà Đông) có các đồng chí: Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy; Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch HĐND thành phố; lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã...

 

Các đại biểu tham dự hội thảo tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội


Phát biểu đề dẫn và khai mạc hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng đã nêu bật những giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm "Dân vận" của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí khẳng định, 70 năm đã trôi qua, song tác phẩm "Dân vận" vẫn vẹn nguyên những giá trị thời sự, thể hiện rõ tư tưởng lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề nhưng hết sức vẻ vang, công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay phải được nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, khoa học với những nhân tố tác động mới, những khó khăn, thách thức mới. Chính vì thế, Hội thảo 70 năm tác phẩm "Dân vận" của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa to lớn trong việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần hoàn thành những chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội XII của Đảng đã đề ra...

Tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo khẳng định, bài báo “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Sự thật, ngày 15/10/1949 là một tác phẩm lớn, thể hiện trí tuệ uyên bác và giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc. Chỉ gói gọn trong hơn 600 chữ, nhưng bài báo “Dân vận” của Bác đã nêu khá toàn diện những tư tưởng về dân vận, từ khái niệm, nguyên tắc, quan điểm và nội dung, phương thức công tác dân vận...

Đảng bộ Thủ đô luôn quan tâm lãnh đạo, triển khai hiệu quả công tác dân vận

Phát biểu tham luận tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, trong thời gian qua, cùng với việc lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, Thành ủy Hà Nội luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận nói chung, phong trào thi đua “Dân vận khéo” nói riêng, đạt nhiều kết quả tích cực.

 

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng tham luận tại hội thảo


Cùng với phổ biến, quán triệt, triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy Hà Nội cũng đã ban hành nhiều văn bản về công tác dân vận, đặc biệt là Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 05/12/2016 “Về đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2016-2020”; Quyết định số 6525-QĐ/TU ngày 25/9/2015 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về ban hành quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền tiếp thu góp ý của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội, Quyết định số 2200-QĐ/TU về việc ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn Thành phố.

Công tác tuyên truyền thực hiện phong trào “Dân vận khéo” được Thành ủy đặc biệt quan tâm, chỉ đạo, bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả, tiêu biểu như: Tích cực chỉ đạo, tham gia cuộc thi báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo” giai đoạn 2017-2020; tổ chức Hội thi “Dân vận khéo” bằng hình thức sân khấu hóa; tổ chức giải báo chí về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị Thành phố, trong đó có các nội dung về dân vận khéo... Đặc biệt, trong 2 nhiệm kỳ (2010-2015, 2015-2020), Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở Thành phố đã đi kiểm tra tại 584 xã, phường, thị trấn (đạt 100%). Thông qua các cuộc kiểm tra, giám sát thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã đôn đốc, hướng dẫn thực hiện phong trào “Dân vận khéo” tới từng thôn, tổ dân phố, xã, phường, thị trấn, các cơ quan, đơn vị toàn Thành phố.

Công tác đăng ký và thực hiện xây dựng mô hình “Dân vận khéo” được thực hiện đồng bộ trên 4 lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa -xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị và ở cả 3 cấp, từ Thành phố đến cơ sở; nhiều mô hình “Dân vận khéo” phát huy hiệu quả tích cực, như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các mô hình “Tuyến đường phụ nữ tự quản”, “con đường nở hoa”, “tuyến đường không rác”, mô hình “Khu dân cư không tội phạm, tệ nạn và tội phạm ma túy”, “An ninh tự quản trong dòng họ”, “An ninh tự quản trong họ giáo”…

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội khẳng định, phong trào “Dân vận khéo” đã góp phần tích cực vào những thành tựu về kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ở Thành phố, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ Thành phố.

Trong thời gian tới, công tác dân vận của Đảng bộ Thành phố sẽ tập trung thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về công tác dân vận trong tình hình mới; thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Thành ủy về công tác dân vận; tiếp tục thực hiện tốt việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường và đổi mới công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao vai trò và chất lượng hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp; tăng cường công tác tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích, vai trò của phong trào thi đua “Dân vận khéo”.

Nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của chính quyền

Phát biểu tại hội thảo, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh: Tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Cương lĩnh Dân vận” của Đảng, thể hiện tư tưởng tin dân, trọng dân, coi trọng sức mạnh của Nhân dân trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; tiếp nối truyền thống của cha ông ta về vai trò của Nhân dân “chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”. Nhận thức đúng về vai trò, tầm quan trọng của công tác vận động Nhân dân, trong từng giai đoạn cách mạng, Đảng đã kịp thời có những chủ trương, đường lối để lãnh đạo công tác dân vận. Những kết quả của công tác dân vận đã góp phần tăng cường, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, tạo đồng thuận trong Nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh to lớn của Nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu tại hội thảo


Đồng chí Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, trong những năm tới, đất nước đứng trước nhiều thuận lợi, đan xen với những khó khăn, thách thức, đòi hỏi công tác dân vận phải không ngừng đổi mới về nội dung, phương thức theo hướng thiết thực, lấy cuộc sống và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của Nhân dân là trọng tâm của công tác dân vận. Đồng thời, tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” cho phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Đồng chí Trần Quốc Vượng cũng lưu ý, phải triệt để đổi mới công tác tuyên truyền, giải thích, thuyết phục bằng nhiều hình thức để Nhân dân hiểu về tình hình đất nước, tin vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu trong cuộc sống và mọi hoạt động; phải trọng dân, chân thành với Nhân dân, gần dân, sát dân, vui buồn cùng dân, có trách nhiệm với dân.

Đặc biệt, tập trung khắc phục, giải quyết dứt điểm, triệt để những vấn đề bức xúc, nổi cộm mà cán bộ, đảng viên và Nhân dân quan tâm, như lời Bác đã dạy “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Quy định rõ trách nhiệm thực hiện công tác dân vận của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, nhất là phải nâng cao chất lượng, hiệu quả dân vận của chính quyền, của lực lượng vũ trang…

Tiếp thu ý kiến của Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, phát biểu kết luận hội thảo, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nêu rõ, nhận thức đầy đủ và sâu sắc ý nghĩa của tác phẩm “Dân vận” của Bác là yêu cầu quan trọng để công tác vận động các tầng lớp Nhân dân ngày càng đi vào thực chất, lấy sự hài lòng và niềm tin của Nhân dân là thước đo cho kết quả công tác của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và hệ thống chính trị.

 

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính và Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai trao giải cho các tác giả


Tại hội thảo, Ban Dân vận Trung ương và Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp trao giải cho 50 tác phẩm vào vòng chung khảo cuộc thi báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo” năm 2019.

 

Nhóm PV