TIN TỨC - SỰ KIỆN

Hà Nội phát triển toàn diện sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính
Ngày đăng 24/07/2018 | 2:00 PM  | View count: 140

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 15/2008/NQ-QH12, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng, trung bình 7,41%/năm; nhiều chỉ tiêu tăng gấp 2-3 lần so với thời điểm trước hợp nhất, như thu nhập bình quân đầu người, thu ngân sách, huy động vốn đầu tư xã hội… Hà Nội tiếp tục khẳng định vị trí đầu tầu, là động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đóng góp ngày càng quan trọng đối với kinh tế cả nước.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu tại buổi họp báo

 
Chiều 24/7, TP Hà Nội tổ chức họp báo, thông tin về kết quả sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 15/2008/NQ-QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội khóa XII về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh liên quan. Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy và đồng chí Ngô Văn Quý, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP chủ trì hội nghị.
 
Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Vũ Duy Tuấn, trong 10 năm qua, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thành phố tăng bình quân 7,41%/năm, trong đó, dịch vụ tăng 7,52%/năm, công nghiệp - xây dựng tăng 8,17%, nông nghiệp tăng 2,68%. Quy mô GRDP năm 2017 đạt 519.568 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với năm 2008; GRDP bình quân đầu người năm 2017 đạt 86 triệu đồng, gấp 2,3 lần so với năm 2008. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đến hết năm 2017, dịch vụ chiếm 57,6%; công nghiệp, xây dựng chiếm 29,7%, nông nghiệp chiếm 2,9% (cơ cấu kinh tế năm 2008 tương ứng là 56,6% - 28,7% - 4,3%).
 
Thu ngân sách giai đoạn 2008-2017 liên tục đạt và vượt dự toán đề ra, tăng trung bình 12,69%/năm. Năm 2017, thu ngân sách Thành phố đạt 212.276 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với năm 2008. Chi ngân sách địa phương tăng bình quân 15,28%/năm, năm 2017 gấp 3,6 lần so với năm 2008.
 
Huy động vốn đầu tư trên địa bàn được đẩy mạnh, giai đoạn 2008-2017, tổng vốn đầu tư xã hội đạt 2,03 triệu tỷ đồng; đầu tư trực tiếp nước ngoài thu hút được 3.237 dự án, vốn thực hiện đạt 10,6 tỷ USD. Riêng năm 2017, huy động tổng vốn đầu tư xã hội đạt 308.219 tỷ đồng, gấp 2,85 lần so với năm 2008, tăng trung bình hằng năm 15,21%.
 
Các giá trị văn hóa truyền thống cùng những phong tục, tập quán tốt đẹp của văn hóa Tràng An, văn hóa xứ Đoài ngày càng được duy trì, phát huy và lan tỏa. An sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô được đảm bảo, Thành phố đã xây dựng và sửa chữa gần 8,6 nghìn ngôi nhà cho người có công với cách mạng; năm 2018 tiếp tục hỗ trợ xây sửa hơn 4 nghìn nhà cho người nghèo. Ngay sau hợp nhất, Thành phố đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng cho các huyện, nhất là những xã miền núi, dân tộc thiểu số. Hệ thống điện, đường, trường, trạm được tập trung đầu tư, đã hoàn thành sửa chữa, cải tạo 5.523 phòng học tạm, xuống cấp, nâng tổng số trường công lập đạt chuẩn quốc gia lên 62%...
 
Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, diện mạo Thủ đô có chuyển biến rõ nét. Nhiều dự án khu đô thị mới văn minh, hiện đại đã và đang hình thành, như: Khu đô thị Văn Quán, Mỹ Đình, Mỗ Lao, An Khánh, Việt Hưng, VinHome, Linh Đàm, Ciputra... Nhiều tuyến đường vành đai, trục hướng tâm, cùng với những cây cầu hiện đại đã được đầu tư, từng bước đồng bộ và khép kín hạ tầng giao thông Thủ đô. 
 
Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý trả lời câu hỏi của phóng viên
 
Tuy nhiên, Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, trong đó, việc giãn dân, giảm mật độ dân số nội đô còn chậm; tiến độ triển khai các khu đô thị vệ tinh chưa đáp ứng yêu cầu, hay hạ tầng giữa khu vực nội đô với khu vực ngoại thành chưa đồng bộ... Theo Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý, tới đây, TP sẽ tiếp tục tập trung xây dựng các đường vành đai, trục hướng tâm, trong đó, có QL6, đường 21 đi Sơn Tây sẽ được mở rộng, trục Hoàng Quốc Việt kéo dài lên Bắc Từ Liêm, Đan Phượng... Trục hướng tâm nữa là qua cầu Tứ Liên, nối lên Đông Anh... từ đó sẽ tạo sự kết nối giữa khu vực trung tâm với ngoại thành.
 
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong, qua các hội nghị đóng góp ý kiến, tổng kết, Thành ủy Hà Nội đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội, đó là tinh thần đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm, vì công việc chung; là sự nỗ lực, chủ động, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm đối với công việc; là sự chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành bạn; đặc biệt là bài học phải tạo được mối quan hệ khăng khí, gắn bó máu thịt với nhân dân, tạo đồng thuận của nhân dân.
 
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, sự phát triển vượt bậc của Hà Nội trong 10 năm qua đã cho thấy tính đúng đắn, tầm nhìn chiến lược, ý nghĩa lịch sử, thực tiễn lâu dài của chủ trương mở rộng địa giới hành chính đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô trong thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập quốc tế; đồng thời, khẳng định mạnh mẽ những nỗ lực vượt bậc, minh chứng sinh động và thuyết phục cho tinh thần đoàn kết, hợp tác và trách nhiệm, chủ động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thành phố trong quá trình xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại.