TIN TỨC - SỰ KIỆN

Hà Nội: 20 năm phát triển theo hướng văn minh - hiện đại
Ngày đăng 13/07/2019 | 2:26 AM  | View count: 226

So với 20 năm trước, Hà Nội đã có diện tích rộng hơn, dân số đông hơn, đa dạng về sắc màu văn hóa, các loại hình kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ. Đặc biệt, không gian đô thị phát triển theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tạo nên diện mạo mới hiện đại, khang trang hơn, xứng đáng với danh hiệu được trao - “Thành phố Vì hòa bình”.

Nhiều đô thị mới khang trang tạo bộ mặt đô thị hiện đại cho Thủ đô

 
Quy hoạch, phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại
 
Trong suốt 2 thập niên qua, thành phố Hà Nội đã tranh thủ mọi nguồn lực, chủ động, sáng tạo và quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm từng bước xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh - hiện đại. Ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội, hiện là Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết: Từ những năm 90 của thế kỷ trước, Hà Nội đã chú trọng phát triển đô thị, chủ yếu là các khu đô thị mới. Từ Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm với mô hình chung cư cao tầng có lắp đặt thang máy đầu tiên tại Hà Nội (năm 1997), đến nay, nhiều khu đô thị mới hiện đại, văn minh như: Văn Quán, Mỹ Đình, Garmuda, Ciputra,… đã hình thành, góp phần tăng hiệu quả sử dụng đất đô thị, giải quyết nhu cầu nhà ở và cùng với hệ thống hạ tầng ngày càng hoàn thiện đã điểm tô hình ảnh Thủ đô hiện đại, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Thủ đô.
 
Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng nhu cầu sống xanh của nhân dân, thành phố đã khởi công xây mới 6 công viên hiện đại, duy tu hệ thống công viên, vườn hoa, cây xanh, hồ nước, bổ sung cây xanh tạo cảnh quan đồng bộ ở các tuyến đường chính, tuyến văn minh thương mại, cửa ngõ Thủ đô. Chương trình 1 triệu cây xanh về đích trước 2 năm không chỉ tạo cảnh quan đô thị mới mà còn góp phần nâng cao chất lượng không khí trong thành phố... Đồng thời, thành phố sẽ tiếp tục trồng thêm 600 nghìn cây trong hai năm 2019 - 2020.
 
Cùng với việc cải tạo, xây mới các công viên, cây xanh, công tác chỉnh trang, nâng cấp đô thị được triển khai đồng bộ, các hồ tại nội đô cũng được tập trung cải tạo. Hơn 500 tuyến phố nội thành được chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; tỷ lệ chiếu sáng đường phố đạt 98%; vận tải hành khách công cộng dự kiến hết năm 2019 đạt 17,30%, năm 2020 đạt khoảng 20,05%; đã có 118 tuyến xe buýt với trên 400 triệu lượt khách/năm... Hạ tầng giao thông đô thị được tăng cường, tỷ lệ diện tích đất đành cho giao thông/diện tích xây dựng đô thị (dự kiến hết năm 2019 đạt 9,75%, năm 2020 đạt 10,05%). Nhờ đó, ùn tắc giao thông cơ bản được khắc phục. Công tác giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển đô thị được đẩy mạnh. 
 
Thành phố đã xây dựng phương án vận hành tối ưu mạng lưới cấp nước để điều tiết nước cho các khu vực. Cụ thể, tổng công suất các nguồn cấp nước tập trung khu vực đô thị khoảng hơn 1 triệu m3/ngày đêm; tỷ lệ người dân đô thị được cấp nước đạt gần 100%. Khu vực nông thôn, tính đến tháng 6/2019, 593.957 hộ (tương đương hơn 2,3 triệu người) được cung cấp nước sạch; tỷ lệ số người dân được cấp nước khu vực nông thôn đạt khoảng 57%...
 
Giữ gìn và bảo vệ môi trường sống
 
Một trong những tiêu chí xây dựng “Thành phố Vì hòa bình” mà Hà Nội đã đáp ứng được là giữ gìn môi trường sống. Do đó, suốt thời gian qua, thành phố luôn nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường sống nói chung và vệ sinh môi trường nói riêng. Thành phố đã xử lý triệt để 25/25 cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Các đề án trên địa bàn như: Đề án xử lý chất thải y tế nguy hại giai đoạn 2016 - 2020; Đề án thu gom, xử lý chất thải nguy hại thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo; Đề án Bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã và đang được hoàn thành và nỗ lực triển khai. 
 
Đặc biệt, từ tháng 12/2016, Thành phố đã đưa vào vận hành 10 trạm quan trắc không khí tự động và 6 trạm quan trắc môi trường nước mặt tự động. Điều này, đã đánh dấu mốc quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, đưa Hà Nội trở thành địa phương đầu tiên của Việt Nam đầu tư hệ thống mạng lưới quan trắc không khí theo tiêu chuẩn mạng lưới quan trắc môi trường Quốc gia (được Bộ Tài nguyên và Môi trường lựa chọn là một trong 10 sự kiện nổi bật năm 2018). 
 
Thành phố đã đầu tư xây dựng nhiều cơ sở xử lý nước thải sinh hoạt đảm bảo đạt quy chuẩn, tổng công suất nước thải (của 8 nhà máy xử lý nước thải) được xử lý là 304.800 m3/ngày đêm. Theo ông Lê Văn Du, Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội, với nỗ lực cải thiện đời sống của người dân, thành phố còn đẩy mạnh phát triển hệ thống cấp nước sạch trên địa bàn, thực hiện xã hội hóa đầu tư, chú trọng phát triển cả nguồn cấp và mạng lưới phân phối. Nhờ vậy, tổng công suất nguồn cấp nước sạch tập trung trên địa bàn thành phố không ngừng tăng lên. Đến nay, tỷ lệ "phủ mạng" tại khu vực đô thị đạt 100%; khu vực nông thôn đạt khoảng 57,3% với gần 2,4 triệu người dân được tiếp cận, sử dụng nước sạch.
 
Cùng với nỗ lực mang nguồn nước sạch đến cho người dân, thành phố cũng tập trung đầu tư hệ thống điện lưới hiện đại. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVN HANOI) cho biết: Đến nay, EVN HANOI đã có một hệ thống lưới điện quy mô hiện đại với 1 trạm biến áp 220kV, 45 trạm biến áp 110kV, tổng công suất gần 6.000 MVA; 879km đường dây 110kV; 11.707 trạm biến áp phân phối với hàng nghìn ki lô mét đường dây trên không và cáp ngầm… Có được kết quả đó là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của Trung ương, thành phố để EVN HANOI tập trung đầu tư phát triển lưới điện, qua đó bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định cho Thủ đô Hà Nội - một đô thị lớn, có mức tiêu thụ điện tăng trưởng bình quân khoảng 10% mỗi năm.
 
20 năm kể từ khi Hà Nội đón nhận danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”, thành phố tự hào đang ngày một phát triển không ngừng theo hướng văn minh - hiện đại, bảo đảm chất lượng môi trường, điện, nước ngày càng tốt hơn để phục vụ các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn.
 

Nghi Dung