TIN TỨC - SỰ KIỆN

Tiếp tục đầu tư có chiều sâu cho phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh
Ngày đăng 17/07/2019 | 2:31 AM  | View count: 161

Chiều 16/7, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW (khóa XI) về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" trên địa bàn Thành phố.

 

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu kết luận hội nghị

 
Các đồng chí: Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy; Ngô Văn Quý, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP dự hội nghị.
 
Báo cáo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Phong nêu rõ, ngay sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết số 33, Thành ủy Hà Nội đã lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa bằng việc ban hành 32 văn bản, trong đó, trọng tâm là Chương trình hành động số 29-CTr/TU, ngày 10/10/2014, của Thành ủy Hà Nội và Kế hoạch số 43/KH-UBND, ngày 18/02/2016, của UBND Thành phố, với 2 định hướng lớn là xây dựng và phát triển văn hóa; xây dựng con người Thủ đô phát triển toàn diện, từ đó, cụ thể hóa thành 1 mục tiêu chung, 9 mục tiêu cụ thể, 7 chỉ tiêu, 38 đề tài, dự án, đề án, kế hoạch để thực hiện.
 
Chính vì thế, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 4 giải pháp chủ yếu của Nghị quyết 33 đã được Hà Nội triển khai đồng bộ, toàn diện. Cụ thể, Hà Nội đã có nhiều chính sách, giải pháp để phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, như: Ban hành Chỉ thị 11 về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới; ban hành Quy tắc ứng xử của CB,CC,VC trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội” và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố”, bước đầu được triển khai hiệu quả, mang lại hiệu quả tích cực; đưa vào giảng dạy bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội” và “Giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương” trong nhà trường... 
 
Việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được Thành phố xác định là một trong những giải pháp quan trọng để xây dựng văn hóa ngay từ cơ sở. Thông qua đó, nhiều phong trào đã được phát động, có hiệu quả tốt, như phong trào "xanh - sạch - đẹp”, “Người Hà Nội nói lời hay, làm việc tốt", “Phong trào xây dựng phường văn hóa, làng văn hóa, xã văn hóa, cơ quan văn hóa”,... Trung bình hằng năm, tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” đạt trên 85%; “Làng văn hóa” đạt 60,5% và “Tổ dân phố văn hóa” đạt 71%.
 
Cùng với đó, công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa Hà Nội được chú trọng; nhiều công trình văn hóa được đầu tư, tôn tạo và phát huy vai trò đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân Thủ đô. Trong 5 năm qua, nguồn kinh phí bố trí cho lĩnh vực văn hóa của Thành phố đạt trên 4,28 nghìn tỷ đồng; huy động trên 4,3 nghìn tỷ đồng vốn xã hội hóa đầu tư cho 38 dự án thuộc lĩnh vực văn hóa, trong đó, có 6 dự án đã hoàn thành; đồng thời, thu hút trên 164 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài cho các dự án văn hóa, thể thao.
 
Chất lượng các hoạt động văn hóa, văn nghệ trên địa bàn Thành phố được đổi mới và nâng cao; sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng. Thành phố đã tổ chức nhiều sự kiện chính trị, văn hóa lớn của Thủ đô và đất nước, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân cả nước và bạn bè quốc tế. Giáo dục - đào tạo có bước đổi mới căn bản, chú trọng giáo dục toàn diện về phẩm chất và năng lực người học. Hoạt động giao lưu, hợp tác về văn hóa giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, công tác đấu tranh chống các quan điểm sai trái trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa được thực hiện chặt chẽ và đồng bộ từ Thành phố tới cơ sở, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng, văn hóa tinh thần và giữ vững ổn định xã hội.
 
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân Thủ đô ngày càng được cải thiện và nâng cao. Hà Nội tiếp tục khẳng định là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, là nơi hội tụ, kết tinh, lan tỏa những giá trị cao quý của dân tộc Việt Nam.
 
Phát biểu kết luận hội nghị, bên cạnh việc ghi nhận, biểu dương sự vào cuộc, tích cực triển khai Nghị quyết 33 của các cấp, các ngành Thành phố, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cũng cho rằng, một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức rõ vị trí, vai trò của việc xây dựng và phát triển văn hóa và con người, nên việc triển khai thực hiện Nghị quyết 33 còn mang tính thụ động, chưa có chiều sâu. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành còn thiếu chặt chẽ, đồng bộ dẫn đến hiệu lực, hiệu quả trong quản lý còn hạn chế. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở phát triển chưa đều, chưa thường xuyên, việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh còn chưa đáp ứng yêu cầu...
 
Nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu phải tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch của Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đặc biệt là Chương trình 04 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa- xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020”, coi đây vừa là nhiệm vụ, giải pháp cũng là mục tiêu hướng tới của Thành phố.
 
Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nhất là cơ chế, chính sách về văn hóa, con người phù hợp chuẩn mực quốc tế, Việt Nam và thực tiễn của Hà Nội. Có chính sách phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, trọng dụng người có tài, có đức và tạo điều kiện để phát huy sáng tạo. 
 
Cùng với đó, xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư cho các nền tảng công nghệ cho công nghiệp văn hóa - công nghiệp sáng tạo. “Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cho phát triển văn hóa; quan tâm tạo cơ chế phối hợp, tăng cường ký hợp đồng, đầu tư chiều sâu để có nhiều hơn các công trình, tác phẩm lớn có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh. 
 
Đồng chí cũng lưu ý cần mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế, quảng bá, giới thiệu văn hóa Thủ đô thông qua xúc tiến văn hóa, du lịch; thông qua tổ chức các sự kiện văn hóa có tầm quốc tế; quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, nhất là ở cơ sở; tích cực đấu tranh, ngăn chặn sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại, ảnh hướng xấu tới đạo đức xã hội, nhất là trên môi trường internet và mạng xã hội...
 
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc trao Bằng khen cho 10 đơn vị
 
Nhân dịp này, Ban Thường vụ Thành ủy đã khen thưởng 10 tập thể có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 33.