TIN TỨC - SỰ KIỆN

20 năm chặng đường an sinh xã hội - nâng cao dân trí
Ngày đăng 18/08/2019 | 2:36 AM  | View count: 162

20 năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế, thành phố luôn chú trọng đảm bảo an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân cũng như nâng cao dân trí. Nhờ đó, Hà Nội đã có bước chuyển mình chứng tỏ vị thế của Thủ đô - trái tim của cả nước - “Thành phố Vì hòa bình”.

 
Đảm bảo an sinh, “không để ai bị bỏ lại phía sau”
 
Hai thập kỷ mang danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” cũng chính là những năm tháng Hà Nội có nhiều đổi thay nhanh chóng. Đặc biệt, từ năm 2008, với việc mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội phải đối mặt với không ít thách thức khi dân số tăng, hạ tầng kỹ thuật còn sự chênh lệch, khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền còn lớn... Nhưng Hà Nội đã nỗ lực vươn lên không ngừng để kéo dần những khoảng cách ấy, đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đặc biệt vùng nông thôn đã được cải thiện rõ rệt.
 
Hiện, thành phố đã có 325/386 xã (chiếm 84,2%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (vượt kế hoạch trước 2 năm so với mục tiêu đề ra) và 3 xã của huyện Đan Phượng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2018. Cùng với đó 4 huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, thành phố có thêm 4 huyện cơ bản hoàn thành các tiêu chí gồm Gia Lâm, Quốc Oai, Thạch Thất, Phúc Thọ. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn nhờ đó cũng tăng nhanh, đạt 46,5 triệu đồng/năm.
 
Với mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Hà Nội đã về đích trước 2 năm mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2016-2020. Ngoài ra, thực hiện “chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có mức sống trung bình tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020”, mục tiêu là nâng cao hơn nữa đời sống, thời gian qua, Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo như: Xây mới, sửa chữa nhà ở, tạo việc làm, cấp thẻ bảo hiểm y tế và khám chữa bệnh, ưu đãi về tín dụng,… cho các hộ nghèo, cận nghèo.
 
Nhiều chính sách trong lĩnh vực này đã được ban hành để bảo bảo sự công bằng trong thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn... Trong đó, có nhiều chính sách đặc thù như: Cấp thẻ xe buýt miễn phí cho người có công, người khuyết tật; trợ cấp hàng tháng cho cựu thanh niên xung phong; hỗ trợ tiếp cận sử dụng truyền hình số mặt đất cho toàn bộ hộ nghèo... Thành phố không chỉ mở rộng đối tượng miễn giảm học phí đến 13 xã miền núi, 2 xã ven sông, mà còn thực hiện chế độ học phí ở mức thấp nhất và thể hiện sự quan tâm chăm sóc các đối tượng nghèo, khó khăn.
 
Hơn thế, nhằm phát huy hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, năm 2018, UBND thành phố Hà Nội đã trích ngân sách hơn 108 tỷ đồng ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội; đồng thời, huy động và phân bổ thêm hơn 26 tỷ đồng cho các địa phương có hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở. Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đã hỗ trợ, ủng hộ thêm hàng trăm tỷ đồng. Nhờ đó, TP đã hoàn thành xây mới, sửa chữa 4.166 nhà cho hộ nghèo. Hiện, Hà Nội cơ bản không còn hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm nhanh, đến cuối năm 2018 chỉ còn 1,16%, hiện 5 quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Ba Đình, Tây Hồ và Hoàn Kiếm đã không còn hộ nghèo. 
 
Lá cờ đầu trong giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ
 
Trong suốt giai đoạn 2009-2019, Hà Nội luôn xác định sự nghiệp giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ là trọng điểm ưu tiên trong chính sách phát triển. Các trường chất lượng cao, trường chuẩn quốc gia được quan tâm xây dựng. Cơ sở vật chất được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại. Trong hai năm 2016-2017, đã cải tạo, sửa chữa và xây mới 177 trường, 6.209 phòng học; công nhận mới 249 trường chuẩn quốc gia, công nhận lại 339 trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về cả số lượng và chất lượng giáo dục của Thủ đô. 
 
Năm học 2018-2019, Thành phố có 2.689 trường học, 1.986.809 học sinh (tăng 48 trường, 109.930 học sinh so với năm trước); tỷ lệ học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học đạt 95,8%, THCS đạt 28,06%; tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 98,49%; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình Tiểu học đạt 100%, hoàn thành chương trình THCS đạt 99,25%. Trong năm 2018, có thêm 90 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tỷ lệ này lên 66,2% (1.426/2.155 trường) vượt chỉ tiêu đề ra (80 trường)... và tiếp tục đẩy mạnh việc công nhận lại trường chuẩn quốc gia.
 
Với vai trò là lá cờ đầu về giáo dục và đào tạo, đội ngũ giáo viên đứng lớp của Thủ đô 100% đạt chuẩn, tỷ lệ giáo viên trên chuẩn đạt cao; 80% giáo viên dạy tiếng Anh đạt chuẩn năng lực tiếng Anh. Tỷ lệ phổ cập giáo dục được duy trì; tiếp tục dẫn đầu về số lượng, chất lượng trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế; hoạt động dạy học, thi cử, kiểm tra, đánh giá có nhiều chuyển biến tích cực. 
 
Đáng chú ý, trong những năm qua, công tác thi và tuyển sinh đánh dấu nhiều điểm mới: Thực hiện thi tuyển sinh đầu cấp qua đăng ký trực tuyến; việc thực hiện phần mềm điện tử quản lý học sinh bước đầu thu được kết quả tốt. Thí điểm đào tạo chương trình song bằng: Tú tài THPT quốc gia Việt Nam và Tú tài Anh quốc - Chứng chỉ A tại trường THPT Chu Văn An, tạo tiền đề cho việc hội nhập và quốc tế hóa chuẩn đào tạo THPT của thành phố.
 
Cùng với giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ là động lực quan trọng để Thủ đô phát triển nhanh và bền vững. Thành phố đã triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình, đề án nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ, góp phần đổi mới công nghệ, phát triển kinh tế tri thức; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học. 
 
CNTT được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố thông minh. Thành phố luôn tăng cường, chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về thông tin, báo chí, xuất bản, an toàn thông tin; triển khai ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước. Kết quả đáng mừng, Hà Nội xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT và truyền thông…
 

Nghi Dung