TIN TỨC - SỰ KIỆN

Ngày thành lập Đảng với cán bộ tổ chức
Ngày đăng 01/02/2019 | 7:52 AM  | View count: 284

Ngày thành lập Đảng 3-2 là một ngày lễ trọng đối với tất cả đảng viên cộng sản, càng trọng đại hơn đối với những đảng viên trực tiếp làm công tác tổ chức xây dựng đảng. Sở dĩ nói vậy là bởi công tác tổ chức xây dựng đảng không khởi sự bắt đầu sau khi thành lập cơ quan chuyên trách ngày 14-10-1930 mà đã khởi động vào cuộc trước ngày 3-2-1930. Rõ ràng để có được ngày lịch sử thành lập Đảng, phải có động thái kết nối giữa hai tổ chức cộng sản đương thời - Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng, phải có kiểm tra tư cách đại biểu dự Hội nghị hợp nhất đầu năm 1930 ở Cửu Long gần Hương Cảng - theo triệu tập của phái viên Quốc tế Cộng sản Nguyễn Ái Quốc và phải tham mưu để ban hành các văn kiện liên quan đến tổ chức xây dựng đảng, chẳng hạn như Điều lệ của Đảng và của các tổ chức chính trị - xã hội.

Ngày 3-2-1930 là ngày ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam - kết quả hợp nhất giữa hai tổ chức cộng sản đương thời - Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng, cũng là sản phẩm đầu tiên của công tác tổ chức xây dựng đảng. Nhưng sau Ngày thành lập Đảng, nước ta vẫn còn hai tổ chức cộng sản: Đảng Cộng sản Việt Nam và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Thực tiễn cách mạng đòi hỏi công tác tổ chức xây dựng đảng phải tiếp tục vào cuộc trên lĩnh vực tổ chức và kết quả là đến ngày 24-2-1930 Đông Dương Cộng sản Liên đoàn đã chính thức gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà cơ quan chuyên trách công tác tổ chức xây dựng đảng hoạt động trên nhiều lĩnh vực như tổ chức, cán bộ, đảng viên nhưng lại chỉ mang tên là ban tổ chức…

Ngày thành lập Đảng hằng năm là dịp để những người làm nghề tổ chức xây dựng đảng suy ngẫm về quá trình tham mưu của mình trên lĩnh vực tổ chức. Điều lệ Đảng quy định: “Hệ thống tổ chức của Đảng được lập tương ứng với hệ thống tổ chức hành chính của Nhà nước”, nhưng trong điều kiện Đảng cầm quyền, hệ thống tổ chức hành chính của Nhà nước cũng là sản phẩm tham mưu của công tác tổ chức xây dựng đảng. Suy ngẫm về quá trình tham mưu của mình trên lĩnh vực này để thấy tăng hay giảm số lượng tổ chức không phải là vấn đề quan trọng nhất, mà quan trọng nhất chính là sự tương thích giữa số lượng tổ chức với hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Tăng tổ chức chủ yếu chỉ để thêm ghế, thêm chỗ làm cồng kềnh, tiêu tốn kinh phí thì không nên tăng. Nhưng cũng không nên giảm nếu như việc hợp nhất để thu gọn đầu mối ấy không hợp lý, quá khác biệt về chức năng, nhiệm vụ.

Ngày thành lập Đảng hằng năm còn là dịp để những người làm nghề tổ chức xây dựng đảng suy ngẫm về trách nhiệm “cận vệ”, “gác cổng” cho Đảng. Đã là “cận vệ”, “gác cổng” cho Đảng thì trước hết phải tuyệt đối trung thành với Đảng, cao hơn là trung thành với Tổ quốc và Nhân dân. “Gác cổng” cho Đảng không thể trở thành “nội ứng” cho những kẻ bất tài, thiếu đức, cơ hội chính trị chui sâu, leo cao vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, càng không thể không đi đầu trong việc “bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung” như nêu trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII). “Gác cổng” cho Đảng không thể không dựa vào dân để lựa chọn cán bộ, không thể không mở rộng dân chủ trong công tác cán bộ. Nhưng người “gác cổng” cũng không nên quên rằng công tác cán bộ của Đảng là một hoạt động mang tính chuyên nghiệp rất cao.

Bởi là một hoạt động mang tính chuyên nghiệp rất cao cho nên Ngày thành lập Đảng hằng năm cũng là dịp để những người làm nghề tổ chức xây dựng đảng suy ngẫm về cái tâm, cái tầm của chính mình. Tính chuyên nghiệp của nghề tổ chức xây dựng đảng nằm ở cái tâm trong sáng, không bị cám dỗ bởi tham vọng cá nhân, không bị khuất phục và có “đủ dũng khí để can ngăn” sự tha hóa quyền lực. Nhưng tính chuyên nghiệp của nghề tổ chức xây dựng đảng chủ yếu nằm ở cái tầm của người làm nghề biết nhìn xa, trông rộng, có “con mắt xanh” để đánh giá cán bộ, tìm đúng, tìm trúng những cán bộ thực sự có đức, có tài để tiến cử với Đảng và quan trọng hơn, nếu chưa tham mưu cho Đảng trọng dụng những bậc hiền tài thì ít nhất cũng phải phát hiện và kịp thời can ngăn Đảng không dùng những kẻ bất tài nhưng đầy tham vọng chính trị.

Không quên rằng công tác cán bộ của Đảng là một hoạt động mang tính chuyên nghiệp rất cao cho nên Ngày thành lập Đảng hằng năm cũng là dịp để những người làm nghề tổ chức xây dựng đảng suy ngẫm về việc kiện toàn cơ quan chuyên trách công tác tổ chức xây dựng đảng. Một cơ quan chuyên trách công tác tổ chức xây dựng đảng đương nhiên phải có những cán bộ làm nghề tổ chức xây dựng đảng đạt trình độ chuyên nghiệp - nếu chưa được tất cả thì cũng phải số đông. Ngay một việc nhỏ và không thường xuyên như viết điếu văn cho cán bộ thuộc diện được cấp ủy cùng cấp tổ chức lễ tang cũng phải chuyên nghiệp, vừa đúng thể thức văn bản, vừa nêu được công đức của người quá cố, lại vừa đầy cảm xúc chân thành. Tránh tình trạng chỉ đơn thuần thay tên đổi họ một điếu văn sẵn có khiến nhiều chi tiết không thực sự phù hợp, thậm chí đọc lên nghe vô cảm, vô hồn...

Ngày thành lập Đảng hằng năm còn là dịp để những người làm nghề tổ chức xây dựng đảng suy ngẫm về trách nhiệm của mình trong công tác đảng viên. Nói người làm nghề tổ chức xây dựng đảng là “cận vệ”, “gác cổng” cho Đảng thì việc “gác cổng” ấy không chỉ diễn ra trên lĩnh vực công tác cán bộ mà còn và chủ yếu là diễn ra trên lĩnh vực công tác đảng viên. Cứ mỗi lần nghĩ về Ngày thành lập Đảng gần chín mươi năm trước, không ít người làm nghề tổ chức xây dựng đảng thường trăn trở bởi mấy câu hỏi: Vì sao chỉ với mấy chục đảng viên từ ba tổ chức hợp nhất đầu năm 1930 và chưa có điều kiện hoạt động công khai, mà đến năm 1945 chỉ với 5.000 đảng viên Đảng ta đã lãnh đạo Nhân dân làm nên Cách mạng Tháng Tám thành công vang dội, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của dân, do dân và vì dân đầu tiên trong lịch sử nước nhà?

Vì sao ngày ấy ít đảng viên mà Đảng ta vẫn mạnh, còn ngày nay đảng viên đông, khoảng gần 5 triệu người, nhưng lại không mạnh? Ngày 18-12-2018, chủ trì cuộc họp cho ý kiến vào Tờ trình về Chỉ thị “Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu đích danh nguyên nhân của tình trạng đáng buồn ấy chính là bởi chất lượng đảng viên: “Trước hết là về tư tưởng chính trị, có trung thành tuyệt đối với Đảng, với đất nước, với Nhân dân không; phẩm chất đạo đức có gương mẫu đi đầu, đi trước thiên hạ, vui sau thiên hạ hay không...”. Do vậy, suy ngẫm nhân Ngày thành lập Đảng, người làm nghề tổ chức xây dựng đảng cứ nhớ hoài lời V.I.Lê-nin nói về công tác đảng viên: Đảng viên hữu danh vô thực thì cho không cũng không cần. Thà ít mà tốt.
Bùi Văn Tiếng