HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC TỔ CHỨC CƠ SỞ ĐẢNG

Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường Đại học Mỏ - Địa chất lần thứ XX nhiệm kỳ 2020 - 2025
Ngày đăng 29/02/2020 | 10:58 AM  | View count: 3870

Với chủ đề “Đoàn kết, tự chủ, đổi mới, chất lượng”, trong 2 ngày 27 và 28/02, Trường Đại học Mỏ - Địa chất đã tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đây là đơn vị được Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội lựa chọn tổ chức đại hội điểm.

Toàn cảnh Đại hội

 
Báo cáo chính trị trình đại hội đã nêu rõ, mặc dù trải qua nhiều khó khăn thách thức, nhưng toàn thể Đảng bộ Đại học Mỏ - Địa chất luôn phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất cao, sát sao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của Nhà trường, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường lần thứ XIX và đạt được hầu hết các mục tiêu đề ra trong nhiệm kỳ 2015 - 2020.
 
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Nhà trường đã mở mới 04 ngành đạo tạo bậc Thạc sỹ, 11 ngành đào tạo văn bằng 2 chính quy và 07 ngành liên thông Trung cấp, Cao đẳng lên Đại học nhằm đa dạng hóa ngành nghề đào tạo và đáp ứng nhu cầu xã hội, gắn sản phẩm đào tạo với doanh nghiệp địa phương. Hiện nay, Nhà trường có 21 ngành đào tạo trình độ Đại học, 19 ngành đào tạo trình độ Thạc sĩ và 13 ngành đào tạo trình độ Tiến sĩ với tổng số hơn 13.000 sinh viên đại học, gần 1.000 học viên cao học và gần 150 nghiên cứu sinh theo học.
 
Nhà trường đang tích cực mở mới nhiều ngành đào tạo, đang triển khai xây dựng chương trình chất lượng cao ngành CNTT và ngành Quản trị kinh doanh và các chương trình đào tạo liên kết trình độ Đại học với Đại học NMT (Mỹ) và chương trình đào tạo Thạc sĩ với Đại học Saint John (Đài Loan - Trung Quốc). Các chương trình đào tạo Thạc sĩ và Tiến sĩ cũng luôn được hiệu chỉnh và cập nhật nôi dung theo quy chế đào tạo hiện hành.
 
Trong 5 năm qua, Nhà trường đã thực hiện gần 260 dự án và đề tài các cấp với tổng kinh phí gần hơn 111 tỷ đồng. Đã triển khai gần 40 đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ cho các địa phương. Các hoạt động nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ được các trung tâm và Công ty CODECO tích cực thực hiện với hơn 3.500 hợp đồng, dự án khoa học công nghệ được ký kết. Đáng chú ý, trong 5 năm qua, đã có 1.099 công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên được thực hiện thành công. Đã có 29 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên và 03 dự án chế tạo Ro-bốt được Tập đoàn Dầu khí Rosneft - Nga tài trợ.
 
Với những thành tích đã đạt được, năm 2017, Đảng bộ Trường đã vinh dự được Thành ủy tặng Bức trướng “Đã có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong công tác xây dựng Đảng và công tác giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao”, Bằng khen “Có thành tích xuất sắc trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ chính trị” các năm 2015, 2016, 2018, 2019. Từ năm 2015 đến nay, Đảng bộ trường liên tục được Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội công nhận là “Đảng bộ trong sạch, vững mạnh”, “Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu” và nhiều hình thức khen thưởng khác….
 
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ Nhà trường đã đưa ra mục tiêu tổng quá đó là đưa Trường Đại học Mỏ - Địa chất trở thành cơ sở giáo dục đại học tự chủ, tiến tới tự chủ hoàn toàn vào năm 2030; có bước đột phá về chất lượng, hiệu quả đào tạo và nghiên cứu khoa học; có lộ trình cụ thể và thực hiện những bước đi đầu tiên để phát triển Trường Đại học Mỏ - Địa chất thành “Đại học định hướng nghiên cứu” vào năm 2030 theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, đạt trình độ ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, góp phần đưa hệ thống giáo dục đại học Việt Nam hội nhập quốc tế.
 
Một số chỉ tiêu cụ thể của Đảng bộ Nhà trường trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 đó là: Hàng năm 100% tổ chức đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ, có tối thiểu 95% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ; Có 700 quần chúng được tham dự các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho đối tượng kết nạp Đảng; Chuẩn hóa, quy trình hóa 95% các thủ tục hành chính của Trường; Thu nhập bình quân đầu người trong trường mỗi năm tăng ít nhất 10%; Tỷ lệ giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ trên tổng số giảng viên cơ hữu đạt tối thiểu 50%; Tỷ lệ giảng viên dạy bằng tiếng nước ngoài từ 15% trở lên; 100% giảng viên ứng dụng CNTT và truyền thông trong dạy và học…