HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH

Lời dặn dò trong Di chúc của Bác Hồ đối với thiếu niên, nhi đồng
Ngày đăng 17/06/2019 | 8:14 AM  | View count: 850

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện quý giá mà Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Một trong những giá trị tư tưởng nổi bật trong Di chúc của Người là vấn đề xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Vấn đề này không chỉ có giá trị lý luận mà còn có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

Di chúc là một văn kiện quý giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.

 

Là người quán triệt và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt câu hỏi: “Cách mệnh trước hết phải có cái gì?". Và Người trả lời: "Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức quần chúng; ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”[1]. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là vấn đề then chốt, có ý nghĩa quyết định đến uy tín và năng lực lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng. Sự vững mạnh của Đảng không phải là số lượng đảng viên nhiều hay ít mà là ở sức mạnh đoàn kết nhất trí trong Đảng về quan điểm, lập trường chính trị, sự vững vàng về thế giới quan, hệ tư tưởng, về tính tổ chức kỷ luật, sự thực hiện dân chủ trong Đảng, sức mạnh đấu tranh phê bình và tự phê bình và mối liên hệ giữa Đảng với quần chúng.

Theo Di chúc của Người, đoàn kết thống nhất trong Đảng là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất trong xây dựng Đảng, là sự vận động và phát triển theo đúng quy luật của Đảng. Đoàn kết thống nhất trong Đảng là cơ sở để xây dựng khối đoàn kết toàn dân. Người chỉ rõ: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng, một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”[2].

Xây dựng và giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là nền tảng cho mọi thành công. Đoàn kết thống nhất không chỉ là vấn đề sinh tử của từng tổ chức đảng các cấp, mà còn là sinh mệnh của toàn Đảng, là vấn đề sống còn của cách mạng. Theo Người, đoàn kết phải là đoàn kết thống nhất, trước sau như một, tức là phải dựa trên nền tảng đường lối, quan điểm của Đảng và vì lợi ích của tập thể. Đoàn kết thống nhất trong Đảng là nguồn sức mạnh, là khâu then chốt dẫn đến thành công của cách mạng. Người khẳng định: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”[3]

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, để xây dựng sự đoàn kết, thống nhất thì “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”[4]. Để thực hiện đoàn kết thống nhất trong Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình. Đây là cách tốt nhất để xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Người coi nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản và cốt lõi trong công tác xây dựng đảng. Trong từng tổ chức đảng phải thực hành dân chủ, mở rộng dân chủ để tất cả đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình và được lắng nghe; mọi quyết định quan trọng đều phải được bàn bạc, thảo luận một cách dân chủ. Xây dựng sự đoàn kết thật sự trong Đảng, rất cần tình đồng chí, thương yêu và chia sẻ với nhau. Trong bản Di chúc được bổ sung năm 1966, cụm từ “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” được Bác thêm vào. Theo Bác, để có sự đoàn kết, thống nhất thực sự, bên cạnh tinh thần, lý trí, trong mỗi cán bộ, đảng viên phải có tình thương yêu đồng chí và lòng nhân ái. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng yếu tố đạo đức trong xây dựng Đảng, chống lại các căn bệnh “quan liêu”, “tham nhũng, lãng phí”, “xa dân”. Đảng ta có nhiệm vụ to lớn là lãnh đạo nhân dân tiến hành “một cuộc chiến đấu khổng lồ” xóa đi những tàn tích của xã hội cũ, xây dựng xã hội mới tốt đẹp. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cao cả đó thì: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân” [5] . Người quan niệm đạo đức là nền tảng của người cách mạng, “đạo đức cách mạng là vô luận trong hoàn cảnh nào, cũng phải quyết tâm đấu tranh, chống mọi kẻ địch, luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, quyết không chịu khuất phục, không chịu cúi đầu. Có như thế mới thắng được địch và thực hiện được nhiệm vụ cách mạng” [6] . Người có đạo đức cách mạng thì gặp khó khăn gian khổ, thất bại chẳng sợ sệt, rụt rè, lùi bước, vì lợi ích của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc mà không ngại hy sinh lợi ích riêng của mình, khi cần thì sẵn sàng hy sinh cả tính mạng cũng không tiếc; luôn “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, không kèn cựa, không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hoá. Vì vậy, thường xuyên giáo dục, tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên thấm nhuần đạo đức cách mạng là biện pháp quan trọng trong xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Người cũng cho rằng, mối liên hệ giữa Đảng và quần chúng là một trong những nhân tố quan trọng để nâng cao uy tín và năng lực lãnh đạo của Đảng. Nguồn gốc sức mạnh của Đảng là ở mối liên hệ chặt chẽ với quần chúng và được thể hiện trước tiên là Đảng phải chăm lo đầy đủ lợi ích của quần chúng nhân dân. Phấn đấu hy sinh cho lý tưởng cao quý của Đảng, cho hạnh phúc của nhân dân là lẽ sống của mỗi người cộng sản, đây là vấn đề thuộc về tiêu chuẩn và tư cách của người đảng viên. Mối liên hệ giữa Đảng với quần chúng còn được thể hiện ở sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đi sâu, đi sát quần chúng, lắng nghe ý kiến và tạo điều kiện cần thiết để phát huy năng lực sáng tạo của quần chúng nhân dân.

Suốt 89 năm qua, kể từ ngày thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích trong thế kỷ XX. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng đã lãnh đạo đất nước vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, công tác xây dựng đảng còn không ít hạn chế, khuyết điểm, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng chỉ rõ: Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng còn thấp, thậm chí có nơi mất sức chiến đấu; công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ, đảng viên còn yếu kém; thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) một số việc chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Tự phê bình và phê bình nhiều nơi mang tính hình thức; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng. Tình hình mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ không chỉ ở cấp cơ sở mà ở cả một số cơ quan Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty… Những khuyết điểm trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ sự mất đoàn kết thống nhất trong Đảng, đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức mạnh, uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng.

Trong Di chúc của Hồ Chí Minh, vấn đề xây dựng Đảng được thể hiện cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, mục đích là làm cho Đảng trở thành bộ tham mưu sáng suốt lãnh đạo sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, đưa dân tộc ta đến thắng lợi ngày càng to lớn hơn trên con đường xây dựng CNXH. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh để Đảng trở thành đại biểu cho trí tuệ tiên phong, ngang tầm thời đại, xứng đáng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân; đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân để hết lòng, hết sức đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, của giai cấp công nhân và toàn thể nhân dân Việt Nam. Đây là những kinh nghiệm vô giá đối với Đảng ta hôm nay trong lãnh đạo nhân dân thực hiện xây dựng đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

 

Vận dụng tư tưởng xây dựng Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cần tập trung thực hiện tốt một số biện pháp sau:

Một là,  coi trọng xây dựng Đảng về chính trị. Xây dựng Đảng về chính trị là công việc mang tính bản chất của Đảng bao gồm: Xây dựng đường lối chính trị, bảo vệ chính trị, xây dựng và thực hiện nghị quyết, xây dựng và phát triển hệ tư tưởng chính trị, củng cố lập trường chính trị, nêu cao bản lĩnh chính trị... Trong đó, đường lối chính trị là một vấn đề cốt lõi trong sự tồn tại và phát triển của Đảng. Xây dựng Đảng về chính trị được biểu hiện ở mục đích và lập trường của một Đảng cách mạng. Người luôn căn dặn chúng ta không bao giờ được quên rằng, mục đích cuối cùng của Đảng là tiến lên CNXH và chủ nghĩa cộng sản. Lập trường kiên định của Đảng là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Mục tiêu đó, lập trường đó của Đảng là mục tiêu, là lập trường của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của toàn thể dân tộc Việt Nam.

Hai là,  tăng cường xây dựng Đảng về tư tưởng. Xây dựng Đảng về tư tường là xây dựng nền tảng của Đảng. Thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); Nghị quyết 35- NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tư tưởng, lý luận; tập trung nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận về đảng cầm quyền, về CNXH, con đường đi lên CNXH ở nước ta và những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình đổi mới, không ngừng phát triển lý luận, đề ra đường lối và chủ trương đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tuyên truyền, học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Kiên quyết đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch.

Ba là, đẩy mạnh xây dựng Đảng về tổ chức. Thực hiện đúng đắn nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; kết hợp với nâng cao tinh thần tự phê bình và phê bình; kỷ luật nghiêm minh, tự giác, góp phần tạo sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Nâng cao chất lượng sinh hoạt của cấp ủy, chi bộ; quản lý chặt chẽ đảng viên. Thực hiện nghiêm túc chế độ tự phê bình và phê bình; nghiêm cấm hiện tượng trấn áp, trù dập người phê bình cũng như hiện tượng lợi dụng phê bình để đả kích cá nhân, gây rối nội bộ. Mọi hành động vô tổ chức, vô kỷ luật, gây mất đoàn kết thống nhất trong Đảng phải bị xử lý triệt để. Chú trọng công tác cán bộ, vì đây là “cái gốc của của mọi công việc”, là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng. Triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả.

Bốn là, tăng cường xây dựng Đảng về đạo đức. Xây dựng Đảng về đạo đức là xây dựng “nền gốc” tinh thần vững chắc của Đảng, là xây dựng sức mạnh nội sinh của cách mạng. Sức mạnh của Đảng là sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường đối với vận mệnh đất nước, nguy cơ mất chế độ, mất vai trò lãnh đạo của Đảng. Thực hiện nghiêm Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25-10-2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Xây dựng Đảng về đạo đức để Đảng ta thật sự là đội tiên phong và đại biểu trung thành vì lợi ích của giai câp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam; giữ gìn đoàn kết, thống nhất trong Đảng để Đảng thật sự “là đạo đức, là văn minh”.

Năm là, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, có Nhà nước pháp quyền XHCN, phương thức lãnh đạo của Đảng phải chủ yếu bằng Nhà nước, thông qua Nhà nước. Phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Tiếp tục xác định rõ nội dung, phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong điều kiện mới. Đảng lãnh đạo, cầm quyền phải có thực quyền, không chuyên quyền, độc đoán, nhưng cũng không rơi vào nguy cơ quyền lực của Đảng bị hình thức hóa. Đảng cầm quyền bằng thực quyền của Đảng, bằng chuẩn tắc dân chủ với xã hội; bằng đạo đức nêu gương vì dân, có sức mạnh tự bảo vệ từ lòng dân.


[1]  Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tr.289.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 621-622

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 622.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 622.

[5] Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2011, tập 15, tr.622.

[6] Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2011, tập 11, tr.606.

TS. Hoàng Văn Vân Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng