THÔNG TIN LÝ LUẬN

Bám sát thực tiễn, xung kích đi đầu
Ngày đăng 13/03/2020 | 10:30 AM  | View count: 1632

Trong 90 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ Hà Nội luôn xác định công tác Tuyên giáo là một trong những hoạt động quan trọng hàng đầu nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị. Giai đoạn hiện nay, công tác tuyên giáo đứng trước nhiều vấn đề mới, vấn đề khó nên việc bám sát thực tiễn, xung kích đi đầu càng được đặt ra hơn bao giờ hết.

Truyền thống vẻ vang

Ngay sau khi Đảng bộ thành phố được thành lập ngày 17-3-1930, Thành ủy Hà Nội đã lãnh đạo các đảng viên bí mật làm nhiệm vụ tuyên truyền, giác ngộ cách mạng. Các đồng chí luôn bám sát và tận dụng khả năng hợp pháp, nửa hợp pháp để đẩy mạnh vận động cách mạng trong các ngành, các giới, tổ chức tập hợp quần chúng. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ở Hà Nội đã làm dấy lên phong trào cách mạng sôi nổi trong thời kỳ Mặt trận dân chủ. Đặc biệt là cuộc mít tinh, kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động 1-5-1938, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, công tác tuyên truyền, vận động của Thành ủy Hà Nội đã góp phần tổ chức thành công cuộc mít tinh lớn lên tới 25.000 người tham gia tại khu Đấu Xảo (nay là Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô). Đây là cuộc biểu dương lực lượng quy mô nhất của quần chúng ở Đông Dương lúc đó.

Ngày 19-8-1945, cuộc mít tinh khổng lồ của gần 20 vạn người biến thành cuộc biểu tình thị uy, chiếm lĩnh các cơ quan đầu não của địch, giành chính quyền về tay nhân dân Hà Nội. Cuộc khởi nghĩa Tháng Tám ở Hà Nội thắng lợi là kết quả của cả một quá trình chuẩn bị lâu dài, gian khổ của Đảng ta; sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy Bắc Kỳ; sự chủ động, sáng tạo, kiên quyết, linh hoạt của Đảng bộ Hà Nội và các tỉnh Hà Đông, Sơn Tây. Đây còn là thắng lợi của công tác chính trị, tư tưởng trong việc chuẩn bị lực lượng cách mạng giai đoạn 1930-1945.

Đất nước giành được độc lập, Hà Nội và hai tỉnh Hà Đông, Sơn Tây đều thành lập Sở - Ty thông tin tuyên truyền, có hệ thống xuống tới làng, xã. Ở Thành ủy Hà Nội, công tác tuyên truyền, chính trị tư tưởng vinh dự do đồng chí Bí thư Thành ủy trực tiếp phụ trách.

Trong kháng chiến chống Pháp, công tác tuyên truyền, chính trị tư tưởng của Đảng bộ Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây từng bước trưởng thành và phát triển trên mọi lĩnh vực, đi đúng với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính. Giai đoạn này, để đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính trị, tư tưởng, ngày 3-3-1949, Ban Tuyên huấn Thành ủy (nay là Ban Tuyên giáo Thành ủy) được thành lập.

Chiến thắng Điện Biên Phủ buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ ngày 20-7-1954 chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Lúc này công tác chính trị, tư tưởng của Đảng bộ tập trung nhiệm vụ khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa, cải cách ruộng đất...

Bị thất bại ở miền Nam, ngày 5-8-1964, đế quốc Mỹ gây ra sự kiện vịnh Bắc bộ, cho không quân và hải quân ném bom, bắn phá miền Bắc. Thành ủy, Tỉnh ủy đã quán triệt cho các cấp, các ngành thực hiện Chỉ thị 94 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác tư tưởng trong tình hình mới và nhiệm vụ mới. Giai đoạn 1965-1975, công tác tư tưởng của Đảng bộ Hà Nội và Đảng bộ Hà Đông, Sơn Tây và Hà Tây sau này luôn tham mưu đắc lực, trực tiếp giúp các cấp ủy lãnh đạo về tư tưởng - văn hóa; là một binh chủng tác chiến mạnh mẽ trên mặt trận tư tưởng chính trị, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cách mạng.

Đại thắng mùa xuân 1975 mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Ngày 22-1-1976, Ban Thường vụ Thành ủy đã họp đánh giá tình hình và định hướng công tác tư tưởng trong tình hình mới. Xuất phát từ vị trí, vai trò của Thủ đô và yêu cầu nhiệm vụ phải xây dựng Đảng bộ Hà Nội vững về chính trị, tư tưởng, mạnh về tổ chức, ngay từ giữa năm 1981, Thành ủy đã tiến hành đánh giá 5 năm (1976-1980) về công tác tư tưởng. Trên cơ sở đó, Thành ủy ban hành Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 24-6-1981 về những nhiệm vụ trước mắt của công tác tư tưởng, đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài, tương xứng với vị trí Thủ đô.

Bước vào thời kỳ đổi mới, Đại hội lần thứ X Đảng bộ thành phố (tháng 10-1986) đã đề ra phương châm hành động của công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Tháng 4-1991, Đại hội lần thứ XI Đảng bộ thành phố đã xác định phải đổi mới nội dung và phương pháp công tác tư tưởng, tăng cường giáo dục chính trị, bảo đảm thực hiện đúng đường lối chính sách của Đảng, không dao động, mơ hồ. Sự nghiệp đổi mới càng đi vào chiều sâu, công tác chính trị, tư tưởng của Đảng bộ càng trở lên cấp thiết. Để tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Đề án số 20-ĐA/TU ngày 12-8-2002 về “Nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng lý luận trong thời kỳ mới”. Nội dung trong đề án đã yêu cầu bám sát thực tiễn đổi mới, căn cứ vào sự “mách bảo” của thực tiễn để tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận.

Từ sau Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng đến nay, công tác chính trị, tư tưởng được gắn với việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh. Từ Chỉ thị 06-CT/TƯ ngày 7-11-2006, tiếp đến là Chỉ thị 03-CT/TƯ ngày 14-5-2011, hiện nay là Chỉ thị 05-CT/TƯ ngày 15-5-2016 và các chuyên đề hằng năm, đã đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thành việc rèn luyện, phấn đấu thường xuyên hằng ngày, có hiệu quả thiết thực của cán bộ, đảng viên.

Hơn 11 năm kể từ ngày thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô (1-8-2008), nhiều cách làm hay được sáng tạo từ cơ sở, được các cấp ủy nhân rộng, phát huy. Công tác chính trị, tư tưởng của Đảng bộ thành phố gắn bó chặt chẽ với xây dựng và thực hiện chuẩn mực đạo đức công vụ, đạo đức của cán bộ, đảng viên với chức năng, nhiệm vụ, nghề nghiệp, lĩnh vực công tác cụ thể, nêu cao tinh thần trách nhiệm vì nhân dân phục vụ. Công tác chính trị, tư tưởng đã góp phần quan trọng cùng thành phố hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, không ngừng nâng cao vị thế của Thủ đô.

5 bài học kinh nghiệm quý

Trong chặng đường 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội, thành tựu lớn của công tác chính trị, tư tưởng là bằng các hoạt động của mình đã làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố có định hướng chính trị đúng đắn, nhận thức rõ mục tiêu phải đi tới và có những phương pháp, tổ chức phù hợp để đạt mục tiêu. Từ quá trình này, công tác chính trị, tư tưởng của Thủ đô đã rút ra một số bài học kinh nghiệm quan trọng:

Một là, trong bất kỳ hoàn cảnh, tình huống nào cũng luôn kiên định vững vàng về bản lĩnh chính trị, không ngả nghiêng, dao động, mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, của dân tộc, đó là: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Tin tưởng tuyệt đối vào nền tảng tư tưởng, quan điểm, đường lối, nghị quyết của Đảng. Tham mưu có hiệu quả cho Thành ủy, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đề ra các chủ trương, quyết sách nói chung và công tác tư tưởng nói riêng trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.

Hai là, trong suốt quá trình cách mạng, công tác tư tưởng phải căn cứ vào nền tảng tư tưởng của Đảng, lấy nghị quyết của Đảng, của Thành ủy, nhiệm vụ chính trị làm nội dung cơ bản, vận dụng sáng tạo vào từng thời kỳ, từng giai đoạn, từng đối tượng, từng địa bàn. Nắm vững công việc trọng tâm, trọng điểm, các khâu đột phá, kết hợp công tác giáo dục, tuyên truyền, hướng dẫn với công tác kiểm tra, đôn đốc, giải quyết công việc trước mắt gắn với mục tiêu lâu dài, phát hiện kịp thời những vướng mắc, bức xúc nảy sinh, tham mưu và giải quyết vấn đề liên quan đến tư tưởng.

Ba là, bám sát thực tiễn, nhạy bén, kịp thời nắm bắt dư luận xã hội, dự báo định hướng tư tưởng, tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội trong quá trình triển khai chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn.

Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp của các lực lượng làm công tác tư tưởng của thành phố; thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp công tác tư tưởng, phát huy dân chủ, khơi nguồn sáng tạo, nhân rộng những mô hình hay, những cách làm hiệu quả, những điển hình tiên tiến làm hạt nhân cho các phong trào cách mạng.

Bốn là, chủ động, kiên quyết, kịp thời phản bác một cách có cơ sở khoa học, có sức thuyết phục đối với những luận điểm sai trái, xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch; không để diễn ra “khoảng trống thông tin”, đặc biệt là trên internet và mạng xã hội.

Năm là, quan tâm, chăm lo xây dựng và phát huy đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng, có bản lĩnh chính trị kiên định, có sự giác ngộ lý tưởng cách mạng sâu sắc, có đạo đức trong sáng, có tri thức sâu về chuyên ngành, có tri thức tổng hợp về các lĩnh vực, có nghề nghiệp thuần thục, tâm huyết, yêu nghề, chủ động, năng động, sáng tạo trong công tác chính trị, tư tưởng.

Chặng đường 90 năm từ khi Đảng bộ Hà Nội được thành lập, theo tiến trình lịch sử, định hướng chính trị được xác định là lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, làm kim chỉ nam cho hoạt động; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Định hướng đúng đắn đó được thực hiện trên các nhiệm vụ chính trị, giải pháp cụ thể của Đảng bộ trong từng giai đoạn cách mạng và được tuyên truyền, giáo dục, vận động thông suốt trong nhân dân tạo sự đồng thuận ý Đảng lòng dân là một, là sự thống nhất về chính trị - tư tưởng, khích lệ, động viên mọi người sẵn sàng, phấn đấu, hy sinh vì lợi ích của Tổ quốc.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thưởng vụ, 

Trưởng Ban Tuyên giáo Hà Nội