THÔNG TIN LÝ LUẬN

GIÁO DỤC LÍ TƯỞNG CÁCH MẠNG CHO SINH VIÊN GẮN VỚI THỰC TIỄN, QUA CÁC PHONG TRÀO CÁCH MẠNG, XUNG KÍCH, TÌNH NGUYỆN, SÁNG TẠO TRONG CÁC NHÀ TRƯỜNG THUỘC KHỐI ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG HÀ NỘI
Ngày đăng 03/02/0019 | 3:52 PM  | View count: 2072

Lý tưởng cách mạng của thanh niên nói chung và sinh viên Việt Nam nói riêng là độc lập dân tộc gắn liền với xây dựng chủ nghĩa xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho sinh viên, trong đó có sinh viên khối trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội hiện nay, cần gắn việc rèn luyện với thực tiễn, với các phong trào cách mạng, xung kích, tình nguyện. Vì vậy, cần coi trọng và nâng cao hiệu quả giáo dục bằng hành động, qua thực tiễn phong trào, lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp với lứa tuổi thanh niên, triển khai rộng khắp và hiệu quả các phong trào hành động cách mạng, phát huy tinh thần tình nguyện, sáng tạo, xung kích của tuổi trẻ cả nước…

Thứ nhất, cần thực hiện tốt các phong trào cách mạng, chương trình hành động do Trung ương Đoàn phát động dựa trên đặc điểm đối tượng là sinh viên trên địa bàn Hà Nội.

Hà Nội tự hào là nơi khởi xướng nhiều phong trào, mô hình có sức lan tỏa, dẫn dắt, định hướng cả nước. Từ những phong trào nổi tiếng trong thời kỳ chiến tranh bảo vệ tổ quốc như Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh, Ba Sẵn sàng, Chiếc gậy Trường Sơn... cho tới phong trào Thanh niên tình nguyện, Tôi yêu Hà Nội... hiện nay, đã phát huy được tinh thần xung kích, tình nguyện, đáp ứng nguyện vọng yêu nước, mong muốn cống hiến của tuổi trẻ Thủ đô. Các phong trào hành động cách mạng đã tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của Đoàn Thanh niên các cấp, phát huy tinh thần tiên phong, xung kích tình nguyện của tuổi trẻ Thủ đô trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo môi trường cho đoàn viên, thanh niên rèn luyện, cống hiến và trưởng thành. Trong bất kỳ giai đoạn nào, tuổi trẻ Thủ đô luôn có những đóng góp quan trọng, xứng đáng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong giai đoạn hiện nay, việc giáo dục lý tưởng cách mạng cho sinh viên trên địa bàn Thủ đô cần gắn với 03 phong trào hành động cách mạng và 03 chương trình đồng hành với thanh niên do Trung ương Đoàn phát động. Cụ thể là:

  • 03 phong trào hành động cách mạng:

+ Phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo” (Sáng tạo trong học tập, nghiên cứu khoa học; sáng tạo trong lao động, sản xuất, kinh doanh; sáng tạo trong đời sống sinh hoạt; sáng tạo trong công tác, phục vụ nhân dân).

Theo đó, đối với sinh viên, cần triển khai, thực hiện mạnh mẽ, tích cực phong trào sáng tạo trong học tập nghiên cứu khoa học. Cần tạo môi trường để đoàn viên thanh niên đề xuất các sáng kiến, sáng tạo trong việc đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng học tập; nghiên cứu và tập sự nghiên cứu khoa học; chủ động đăng ký nghiên cứu các đề tài khoa học, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, tham gia hội thảo khoa học trong nước và quốc tế… để giải quyết những nhiệm vụ đặt ra trong quá trình phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực.

+ Phong trào “Thanh niên tình nguyện” (Tình nguyện chung tay xây dựng nông thôn mới; Tình nguyện tham gia xây dựng đô thị văn minh; Tình nguyện bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu; Tình nguyện tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông; Tình nguyện đảm bảo an sinh xã hội).

Phong trào sinh viên tình nguyện từ lâu đã trở thành hoạt động sôi nổi, luôn nhận được sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo sinh viên cả nước nói chung và sinh viên trên địa bàn Thủ đô nói riêng, mang dấu ấn đặc sắc, thể hiện rõ tính xung kích, tinh thần tình nguyện, trách nhiệm của tuổi trẻ đối với cộng đồng, xã hội. Phong trào sinh viên tình nguyện đã góp phần giải quyết những khó khăn của cộng đồng, trở thành trường học sinh động để sinh viên rèn luyện và trưởng thành. để phong trào sinh viên tình nguyện có sức lan tỏa mạnh, tạo điều kiện cho các bạn sinh viên rèn luyện bản thân mình về nhiều mặt, cần tuyên truyền rộng rãi để các bạn sinh viên nhận thức đầy đủ hơn về hoạt động tình nguyện, ý nghĩa của việc tham gia các hoạt động này; có sự phối hợp chặt chẽ và thống nhất từ các cấp Hội. Phong trào cần được tổ chức toàn diện, rộng khắp với nội dung hoạt động phong phú, hình thức đa dạng nhằm thu hút đông đảo sinh viên tham gia. Các hoạt động được chuẩn bị chu đáo, tổ chức an toàn, có hiệu quả mang tính chất giáo dục cao. Tổ chức Hội Sinh viên cần tập trung chỉ đạo tình nguyện tại chỗ và phát huy vai trò của lực lượng sinh viên của các trường. Chú trọng duy trì và phát triển nhóm tình nguyện “Vì môi trường và cộng đồng”. Hội Sinh viên các trường cần căn cứ vào tình hình thực tế của nhà trường và sinh viên để lựa chọn nội dung, thời gian và địa bàn triển khai hoạt động cho phù hợp; cần quy định rõ trách nhiệm và quyền lợi của sinh viên trong việc tham gia các hoạt động tình nguyện, có chế độ khen thường và kỷ luật kịp thời.

+ Phong trào “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc” (Xung kích trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng an ninh; Xung kích tham gia thực hiện các chương trình, dự án, cuộc vận động hướng về biên giới, biển đảo, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; Xung kích tham gia xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; Xung kích tham gia đảm bảo trật tự an ninh trên địa bàn dân cư).

  • 03 chương trình đồng hành với thanh niên:

+ Chương trình đồng hành với thanh niên trong học tập (Xây dựng tinh thần hiếu học, tự học, học tập suốt đời, xã hội học tập trong thanh niên; Tổ chức các hoạt động hỗ trợ, khuyến khích học sinh – sinh viên thi đua trong học tập; triển khai và tôn vinh các tấm gương học sinh, sinh viên tiêu biểu qua các danh hiệu “sinh viên 5 tốt”, “Học sinh 3 rèn luyện”, “Học sinh 3 tốt”; Duy trì và phát huy hiệu quả các quỹ khuyến học, khuyến tài, các học bổng, giải thưởng, hỗ trợ thanh niên học tập, nghiên cứu khoa học; Cổ vũ, động viên sinh viên trong phong trào học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ).

“Sinh viên 5 tốt” là phong trào chủ đạo của Hội Sinh viên các cấp trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, nhằm xây dựng thế hệ sinh viên Việt Nam thời đại mới hội tụ đủ 5 tiêu chí: đạo đức tốt, học tập tốt, thể lực tốt, tình nguyện tốt và hội nhập tốt, để sẵn sàng chuẩn bị cho hành trang lập nghiệp trong tương lai.Đây là chương trình hành động mang tính đặc thù đối với thanh niên là sinh viên và cần được triển khai thiết thực, sâu rộng ở các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội với những kế hoạch, tiêu chí, hình thức cụ thể và thống nhất.

+ Chương trình đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp (Triển khai hiệu quả chương trình “Thanh niên khởi nghiệp”; Tìm kiếm, phát triển, hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong thanh niên vào thực tiễn; Truyền thông và nhân rộng các mô hình khởi nghiệp, đặc biệt là sáng tạo, khởi nghiệp thành công; Tổ chức các ngày hội, hội chợ việc làm cho thanh niên; đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ đào tạo nghề…).

+ Đồng hành với thanh niên rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần (Tuyền truyền giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức về kỹ năng cuộc sống cho thanh niên; nhân rộng các hình thức bồi dưỡng, đào tạo, huấn luyện; phát triển sâu rộng các hoạt động rèn luyện thể dục thể thao trong thanh niên; tăng cường các hoạt động truyền thông, nâng cao hiểu biết về tác hại của ma túy, rượu bia, thuốc lá, các chất kích thích; tổ chức các chương trình giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên; tổ chức đa dạng các hoạt động văn hóa nghệ thuật trong sinh viên; xây dựng các điểm vui chơi, sinh hoạt cho sinh viên…).

Các phong trào hành động cách mạng và chương trình hoạt động luôn tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của Đoàn Thanh niên các cấp, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, phát huy tinh thần tiên phong, xung kích tình nguyện của tuổi trẻ Thủ đô trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo môi trường cho đoàn viên, thanh niên rèn luyện, cống hiến và trưởng thành. Trong bất kỳ giai đoạn nào, tuổi trẻ Thủ đô luôn có những đóng góp quan trọng, xứng đáng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” trong đoàn viên thanh niên, duy trì hiệu quả fanpage, website của các cấp bộ đoàn về tuyên truyền, giới thiệu các tin tốt, câu chuyện đẹp, góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp, những tấm gương tiêu biểu trong cuộc sống.

Cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp trên mạng xã hội” được Ban Bí thư trung ương Đoàn phát động nhằm tuyên truyền, giáo dục, định hướng cho cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi hướng tới các giá trị cao đẹp, có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh vững vàng, có hoài bão và khát vọng vươn lên, sống đẹp, sống có ích, trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội; Góp phần tạo ra trào lưu, xu hướng đăng tải, chia sẻ thông tin tích cực trên mạng xã hội, góp phần tạo môi trường mạng lành mạnh cho sự phát triển toàn diện của thanh thiếu nhi.

Đối với sinh viên, việc thực hiện tốt cuộc vận động này sẽ có hiệu ứng lan tỏa tâm lýtrong việc giáo dục lý tưởng cách mạng sẽ làm lu mờ những điều tác động khác, nhất là đối với bộ phận sinh viên chưa định hướng được lý tưởng sống của mình, dễ bị cảm xúc dẫn dắt khiến cho lối sống chưa đẹp.

Theo đó, cần tuyên truyền rộng rãi thông qua các hoạt động Đoàn, Hội trong mỗi nhà trường; triển khai tuyên truyền trên các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội của các đơn vị; các kênh truyền thông của Đoàn; đưa nội dung về mục đích, ý nghĩa của cuộc vận động vào các buổi sinh hoạt chi đoàn, chi hội.

Sử dụng bộ công cụ trực quan, các sản phẩm truyền thông hiện đại do Trung ương Đoàn, Thành đoàn ban hành (video clip, bộ ảnh tuyên truyền, infographic, khung ảnh dại diện mạng xã hội). Cán bộ đoàn các cấp chủ động tuyên truyền và chia sẻ các ấn phẩm tuyên truyền trên trang cá nhân tạo sự lan truyền rộng rãi trong đoàn viên.

Cần thực hiện theo phương châm “trong trước, ngoài sau”, “trên trước, dưới sau”, trước mỗi câu chuyện đẹp thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội, các cấp bộ Đoàn, cán bộ đoàn tập trung tuyên truyền, chia sẻ tạo thành trào lưu trên mạng xã hội cổ vũ lối sống tích cực, nhân văn, vì cộng đồng; chủ động phê phán, lên án những thói quen xấu, lạc hậu, cản trở sự phát triển, lối sống thờ ơ, vô cảm; phản bác những luận điệu sai trái, hành động gây ảnh hưởng tiêu cực tới đất nước và cộng đồng xã hội.

Các đoàn trường cần xây dựng chuyên mục, bản tin “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” trên các trang tin điện tử, bản tin thanh niên, trang facebook của tổ chức Đoàn; thường xuyên đăng tải các thông tin tích cực, gương thanh niên, gương người tốt việc tốt, các câu chuyện, hình ảnh đẹp tại địa phương, đơn vị mình để tạo nguồn tin chi sẻ rộng rãi trong đoàn viên, thanh thiếu nhi. Vận động cán bộ, đoàn viên, sinh viên tích cực tham gia chia sẻ, bình luận, đăng tải các thông tin chính thống, tích cực, các hành động, câu chuyện đẹp trong đời sống; đối với các trường hợp điển hình, hành động dũng cảm, nghĩa cử cao thượng cần có hình thức tuyên dương, gặp mặt các gương điển hình được phát hiện, các cá nhân có tích cực tham gia cuộc vận động.

Bên cạnh đó, cần triển khai các tuần cao điểm theo từng tháng: Hàng tháng lựa chọn một tuần để triển khai cuộc vận động thành đợt cao điểm (tuần cao điểm), đồng loạt đăng tải, chia sẻ tin tốt, câu chuyện đẹp:

+ Từ ngày 03 - 10/1: Tập trung tuyên truyền tin tốt, câu chuyện đẹp về học sinh, sinh viên; những tấm gương tiêu biểu đạt thành tích xuất sắc trong học tập và nghiên cứu.

+ Từ ngày 28/1 - 05/2: Tập trung tuyên truyền tin tốt, câu chuyện đẹp về quá trình thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, vai trò lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh giải phóng dân tộc và trong cuộc vận động xây dựng đổi mới đất nước; những câu chuyện về lãnh tụ của Đảng, về những tấm gương anh hùng liệt sĩ đã đóng góp, hi sinh cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

+ Từ ngày 20 - 26/3: Tập trung tuyên truyền tin tốt, câu chuyện đẹp về tổ chức Đoàn, cán bộ Đoàn; những câu chuyện đẹp về kết quả hoạt động của Đoàn, những công trình, phần việc tiêu biểu và những gương cán bộ đoàn tiêu biểu trong Tháng thanh niên.

+ Từ ngày 24 - 30/4: Tập trung tuyên truyền tin tốt, câu chuyện đẹp về những nhân chứng lịch sử, con người lịch sử làm nên thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử; vai trò, ý nghĩa lịch sử của ngày 30/4, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

+ Từ ngày 13 - 19/5: Tập trung tuyên truyền tin tốt, câu chuyện đẹp về những điển hình sinh viên tiêu biểu làm theo lời Bác, những câu chuyện Bác Hồ với thanh niên, sinh viên.

+ Từ ngày 01 - 07/6: Tập trung tuyên tuyền tin tốt, câu chuyện đẹp về các hoạt động nổi bật của tổ chức Đoàn tham gia chăm sóc, giáo dục và bảo vệ thiếu niên, nhi đồng.

+ Từ ngày 21 - 27/7: Tập trung tuyên truyền tin tốt, câu chuyện đẹp về những thương binh, bệnh binh, anh hùng liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, cựu thanh niên xung phong; về các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, uống nước, nhớ nguồn của tuổi trẻ; hình ảnh về thanh niên xung phong và thanh niên tình nguyện.

+ Từ ngày 27/8 - 02/9: Tập trung tuyên truyền tin tốt, câu chuyện đẹp về lòng yêu nước, những tấm gương trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; những câu chuyện đẹp, ý nghĩa trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

+ Từ ngày 09 - 15/10: Tập trung tuyên truyền tin tốt, câu chuyện đẹp về thanh niên Việt Nam, những tấm gương doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc, về phụ nữ Việt Nam, nữ cán bộ Đoàn và cán bộ Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

+ Từ ngày 14 - 20/11: Tập trung tuyên truyền tin tốt, câu chuyện đẹp về những tấm gương nhà giáo trẻ tiêu biểu, vượt khó; các nhà giáo tình nguyện dạy học ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.

+ Trong các dịp tổ chức hoạt động kỉ niệm các ngày lễ lớn, hoạt động quy mô lớn, đồng loạt của tổ chức Đoàn, các cấp bộ đoàn tập trung đăng tải, chia sẻ tin tốt, câu chuyện đẹp liên quan để tạo hiệu ứng, sự quan tâm của xã hội đối với các hoạt động của Đoàn.

Thứ ba, tích cực tổ chức thực hiện các hoạt động thực tiễn khác, góp phần giáo dục lý tưởng cách mạng cho sinh viên trên địa bàn thủ đô.

- Tiếp tục tổ chức các hoạt động về nguồn: thăm hỏi gia đình chính sách, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng, thăm các di tích lịch sử; vận động thực hiện các công trình sinh viên tình nguyện tại các vùng căn cứ cách mạng, hỗ trợ cuộc sống các gia đình có công với cách mạng; tham gia tích cực “Lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ” vào dịp 27/7 hàng năm; tổ chức cho sinh viên tham quan các bảo tàng trên địa bàn trong các đợt sinh hoạt đầu khóa, đầu năm học.

- Tổ chức các hoạt động giúp sinh viên hiểu biết thêm về lịch sử, văn hóa dân tộc: tổ chức các hình thức thi trực tuyến, các sản phẩm sáng tạo; lồng ghép nội dung lịch sử, văn hóa trong các sân chơi của sinh viên; phối hợp tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật, giới thiệu các tác phẩm văn học, sân khấu có đề tài lịch sử. Trung ương Hội Sinh viên tổ chức chương trình “Tuổi trẻ Việt Nam- câu chuyện hòa bình” định kỳ hàng năm.

- Tổ chức các hoạt động hướng về biên giới, biển đảo: các diễn đàn thông tin tình hình biên giới, biển đảo; các hoạt động tình nguyện tại các địa phương biên giới, các vùng biển đảo; triển lãm hình ảnh về biển đảo Việt Nam; thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học giải quyết các vấn đề cấp thiết tại biển, đảo Tổ quốc…

- Tổ chức các hoạt động góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam đến bạn bè thế giới: Hội Sinh viên Việt Nam tại các nước tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa tại các trường, các địa phương theo học; cử đại biểu tham gia các chương trình giao lưu văn hóa, giao lưu thanh niên, sinh viên khu vực và thế giới; thiết kế các sản phẩm quảng bá văn hóa Việt Nam; giới thiệu văn hóa Việt Nam cho sinh viên nước ngoài đang theo học tại trường; tổ chức ngày hội giao lưu văn hóa.

Thông qua các hoạt động thực tiễn, các phong trào hành động cách mạng…là một hình thức hiệu quả trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho sinh viên, đặc biệt là sinh viên trên địa bàn Thủ đô – nơi có những điều kiện khách quan thuận lợi để thực hiện đa dạng các phong trào thực tiễn nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cũng như tác động tiêu cực đến quá trình giáo dục lý tưởng cách mạng cho sinh viên.

Nguyễn Hải Ninh

UVBCHĐBK, Chánh Văn phòng ĐUK